Hotline:

Cơn "say" hàng hiệu nhái

Con say hang hieu nhai
Khó phân biệt hàng thật, hàng nhái trong các cửa hiệu.

Một MC thú thật: "Cái quần Levi’s mình đang mặc chỉ 250.000 đồng. Thấy thích là mua thôi dù biết cái 501 này giá chót cũng 2 triệu đồng".

Những sản phẩm mang thương hiệu Louis Vuitton, Gucci... xuất hiện và chiếm lĩnh những trung tâm thương mại sang trọng nhất đang đẩy những tín đồ mê hàng hiệu vào cuộc đua không điểm dừng.

Khá nhiều bạn trẻ ngày càng mê mẩn với những món "hàng hiệu tính bằng tiền triệu" nhưng hầu bao không phải lúc nào cũng rủng rỉnh đang lao vào cơn say hàng hiệu nhái.

Bỏ ra hàng triệu đồng để mua túi xách, quần áo, giày dép... không còn là chuyện hiếm nhưng cũng chưa phải là chuyện phổ biến đối với thế hệ 8X-9X.

Cả khách và chủ đều hiểu ngầm những túi xách Louis Vuitton, Bonia, Longchamp... quần áo Levi’s, Lacoste, CK, Valentino, Versace, Guess, Armani... giày dép Clack, Gucci, Columbia... mà giá có vài trăm ngàn đồng chỉ có thể là hàng secondhand hoặc là hàng nhái.

Trước khi trở thành vương quốc hàng hiệu nhái ngay trung tâm TPHCM, Saigon Square cũng có thời gian bán hàng hiệu thật. Bà Đặng Thị Hoa bán vali, túi xách ở đây cho biết: "Ngày càng ít người mua nên chuyển sang bán hàng nhái".

Không chỉ nam thanh, nữ tú mà cả dân Tây, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... giờ cũng xem đây là nơi mua sắm hàng hiệu... lý tưởng! Nếu đi shopping vào cuối tuần cũng không khó gặp vài ca sĩ, diễn viên, MC... quen mặt.

Còn một chủ shop quá quen cười trừ: "Có hạ giá đến 90% cũng không ở nơi nào trên thế giới bán cái Levi’s 501 với giá 200.000 đồng, toàn bộ là hàng Việt Nam đấy, nhưng gắn mác Levi’s vào dù có vài lỗi nhỏ cũng bán ào ào".

Các chủ shop than thở: "Hàng hiệu thật giá gấp 5-10 lần hàng nhái mà thật ra có cái chỉ vì thương hiệu chứ chất liệu cũng một chín một mười nên phải kèm cho khách dễ lựa chọn".

Trong khi hàng hiệu thật bày bán tại Diamond, Parkson... phần lớn sản xuất tại Trung Quốc, hàng nhái nhập về từ nước này đều được dán nhãn "Made in Vietnam" hoặc "Made in Cambodia", cá biệt có nhiều món hàng gắn mác "Made in Peru" hay "Made in India".

Nhưng được chuộng hơn tất cả là hàng "Made in Vietnam" vì giá rẻ, dễ giải thích "gia công cho các tập đoàn lớn, công nhân lấy ra ngoài bán".

Từ năm 2004, Nike, Adidas, Clark... cương quyết dẹp hàng nhái tại TP HCM, hàng loạt shop bán hàng "gia công tại Việt Nam" đã chuyển sang bán hàng hiệu nhái của Trung Quốc với trình độ làm giả tinh vi.

Balô Samsonite cùng loại với giá 350.000 đồng tại một số shop “hàng hiệu” tiếng tăm tại quận 1, quận 3 nhưng tại Diamond lên tới gần 3 triệu đồng nhìn bề ngoài gần như anh em sinh đôi”.

Áo Lacoste "Made in Peru" giá chỉ 150.000 đồng phải giặt 2-3 lần mới có khác biệt lớn so với Lacoste bán ngoài Đồng Khởi trên 1,5 triệu đồng. Đồng hồ CK, Gucci, Longines... phải đi qua mùa mưa mới thấy thế nào là hàng dưới 5 triệu đồng và hàng vài ngàn USD. Riêng túi Louis Vuitton mà xách chạy xe máy chỉ tổ cho thiên hạ cười vì Louis Vuitton re rẻ cũng chẳng kém Piaggio là mấy.

Nhưng cơn say hàng hiệu... nhái làm cho không ít cô, cậu bất chấp tất cả. Họ có thể mặc quần trễ cạp để lộ underwear của Victoria’s Secret giá trên 100 USD, đeo Rolex giá chính hãng 20.000 USD một chiếc mà chỉ biết để khoe với bạn bè "tớ mua gần 10 vé đấy" hoặc vệnh mặt "cái Louis Vuitton này gửi mua bên Hong Kong 9 vé đấy nhé" cho dù Louis Vuitton ấy cùng kiểu đồng giá trên toàn thế giới là 6.570 USD...

Đặng Trung Anh, 26 tuổi, trưởng phòng PR một tập đoàn thực phẩm của Mỹ khẳng định: "Dân chơi hàng hiệu cũng có năm, bảy loại nhưng người say vì phong trào và đua đòi đang chiếm phần lớn. Lương gần 1.500 USD như tôi cũng chỉ dám mua quần áo, giày dép dưới 1 triệu đồng nếu không muốn thâm hụt thường xuyên".

Còn Dương Quỳnh Chi, 25 tuổi đang làm trợ lý giám đốc cho một hãng tàu biển Đài Loan cho rằng: "Xài hàng hiệu nếu biết chọn lọc cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm".

(Theo Tiền Phong)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét