Hotline:

Hàng hiệu "made in China"

Ngược hẳn với giới trẻ thích xài đồ hiệu theo kiểu phô trương, những doanh nhân thành đạt lại ưa chuộng những thương hiệu thời trang kín đáo hơn. Họ không còn mặc những chiếc áo có chữ D&G to tướng mà là những chiếc áo sơ mi chỉ có dòng thương hiệu rất nhỏ trong cổ áo. Nhưng không phải chiếc áo gắn mác hàng hiệu nào cũng là hàng xịn. Nhiều người đã bỏ ra hàng triệu đồng mua, rồi mới ngã ngửa vì "ăn quả lừa"

Các bộ veston là trang phục thường được các doanh nhân, trí thức thành đạt lựa chọn hàng đầu. Hiện nay có thương hiệu thời trang số một thế giới Gianfranco Ferré đang được ưa chuộng vì dáng cắt ôm, gọn, mang lại sự năng động cho người sử dụng. Ngoài quần áo thì Gianfranco Ferré còn thiết kế cả giày, thắt lưng, túi xách da, cặp tài liệu dành riêng cho giới doanh nhân.

Túi xách mang thương hiệu Louis Vuitton.

Túi xách mang thương hiệu Louis Vuitton.

Giá trung bình một bộ veston của hãng này lên tới hơn 1.000 USD. Dòng hàng cổ điển hơn là Versace với dòng hàng veston mới dành cho nam có dáng ôm hơn, gọn hơn chứ không còn những bộ veston dáng mạnh, vai rộng dáng thùng thình như những năm cuối thập kỷ 90. Để sở hữu một bộ veston Versace sẽ phải chi 1.500-2.000 USD.

Một thương hiệu lớn mới xuất hiện ở VN cũng rất được giới doanh nhân, trí thức thành đạt yêu thích, là thương hiệu Kiton của Italy. Trang phục của Kiton rất độc đáo, kín đáo và nhẹ nhàng nên thường được các nguyên thủ quốc gia, các vị vua chúa, hoàng tử trong các hoàng gia mặc. Giá trị của những bộ đồ này có khi lên tới hơn 1 triệu USD.

Hoàng Anh (Trung tâm thời trang hàng hiệu, số 1 Đào Duy Anh) nhận xét: "Thời trang trong giới doanh nhân đang có xu hướng đi vào sự kín đáo hơn. Thậm chí có những chiếc áo mà chỉ những người trong giới xài đồ hiệu với nhau mới biết đó là hàng đắt tiền. Hãng Kiton có chữ được thêu rất nhỏ trên đai quần hoặc trong áo mà bên ngoài không thể nhìn thấy được. Chỉ những người trong giới xài hàng hiệu nhìn vào đường kẻ, đường may mới biết đó là hàng Kiton. Hãng Gianfranco Ferré thì chỉ có chữ G và chữ F lồng vào nhau rất nhỏ".

Giá trị thực của dòng hàng kín đáo đắt hơn nhiều lần so với dòng hàng hiệu phô trương. Một chiếc áo bình thường của D&G chỉ khoảng 300 USD nhưng áo sơ mi của Kiton thì lên tới 1.000 USD.

Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên chuyên bán hàng hiệu trên phố Hàng Bông, cho biết: "Hàng hiệu càng đắt tiền thì càng ít có hoặc không có logo trưng khoe khoang ra ngoài. Những người dùng hàng hiệu lâu năm thì họ không còn dùng hàng trưng logo nữa mà đi vào dòng kín đáo hơn. Còn những người mới dùng hàng hiệu thích thể hiện rằng mình đang mặc chiếc áo hàng hiệu đấy, thì họ dùng hàng có logo trưng ra ngoài".

Ngoài số ít đại lý độc quyền của một số thương hiệu thời trang nổi tiếng thì phần lớn hàng hiệu trưng bày ở ta hiện nay, dù gắn mác gì thì điểm xuất phát vẫn là "made in China". Một trong những hàng hiệu nhái thường gặp nhất là kính mắt. Dù các tập đoàn kính mắt nổi tiếng như Safilo, Marcolin hay Chartman (Nhật) đã buộc các nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tem chống hàng giả, thẻ bảo đảm chính hãng... nhưng vẫn khó mà sở hữu được chiếc kính hàng hiệu, dù đã chi tới 5 triệu đồng.

Một người bạn buôn hàng hiệu cho biết, hàng hiệu có giá trên trời là bởi mỗi kiểu dáng được sản xuất với số lượng rất ít. Còn nếu một dáng áo gắn mác hàng hiệu mà có quá nhiều size giống nhau thì đích thị là "made in China".

Bà Phạm Mai ở phố Ngô Quyền, kinh doanh hàng hiệu cho biết: "Ngoài các đại lý chính hãng thì hàng hiệu ở các shop lẻ được nhập từ rất nhiều nguồn, cả hàng xịn lẫn hàng nhái. Hàng "xịn" nhất được các cửa hàng săn lùng là của "Tây ngắn ngày". Họ đến Việt Nam trong thời gian ngắn để công tác, khi về thường "quên" mang theo quần áo về nước. Dựa vào các mối quan hệ với khách sạn, các chủ cửa hàng "thu mua" lại. Tuy là hàng "second hand" nhưng lại là xịn 100%, chỉ cần mông má một chút là trở thành "hàng độc" được bán với giá cắt cổ".

Một siêu sao hàng hiệu có nhiều kinh nghiệm trong việc lùng hàng kiểu này cho rằng, nhiều khi tìm kiếm mỏi mắt ở các cửa hiệu xịn chẳng được món đồ ưng ý, loạng quạng ra hàng sida lại tóm được. Lắm lúc chị diện đủ bộ theo kiểu trên hàng hiệu - dưới hàng thùng, nhưng trông vẫn sành điệu ra phết.

Nguồn thứ hai là "hàng tẩy". Hàng này thực chất cũng là hàng Tây xịn nhưng không phải là hàng hiệu. Chúng được mua từ nước ngoài trong những mùa giảm giá, thanh lý. Đây chính là thời điểm để các cửa hàng thi nhau nhập về. Khuy, cúc toàn gắn mác của những thương hiệu nổi tiếng, lại chỉ nhận thanh toán bằng USD, hoặc quy đổi theo giá ngân hàng nên ai cũng nghĩ mình sở hữu được món đồ hàng hiệu. Mua về dùng chán rồi mới té ngửa, mã vạch là của Trung Quốc.

Sở hữu một chiếc túi hay ví hiệu Louis Vuitton được coi là biểu tượng của sành điệu, người người đua nhau sắm túi tông nâu trầm với những chữ L&V cách điệu, có cảm giác ra đường là thấy Louis Vuitton. Lắm cô, lắm chị áo phao lùng nhùng cũng xách một chiếc L&V thanh cảnh vốn chỉ hợp với những bộ vest nhẹ nhàng.

Hàng xóm của tôi - một fan hàng hiệu đã có cả tá túi xách 7 màu cơ bản cho riêng mỗi bộ trang phục, cũng đôn đáo lùng một cái cho bằng chị bằng em.

Còn Trang - tiểu thư đất Cảng thì cũng thường xuyên đi lùng hàng xịn, có lần lượn mấy buổi mới tìm được cái áo như ý với 2 chữ C móc nhau (ký hiệu của hãng thời trang Coco Chanel). Cô bé bán hàng mặc váy ngắn nửa đùi thề sống thề chết: "Đây là chiếc duy nhất, chị có đi khắp VN cũng không tìm được cái như này đâu". Thế là rút ví 3 triệu. Tuần sau, qua cửa hàng đó thấy manơcanh mặc chiếc áo giống hệt chiếc cô đã mua.

Lần khác cô nàng lùng được một cái áo khoác nhẹ của Versace, có 5 triệu thôi. Một tuần sau cô bạn chuyên chạy hàng Tàu cũng thửa về một chiếc sinh đôi với nó giá 700 nghìn. Săm soi chán, không ai có thể phát hiện được giữa hai chiếc áo. Cũng theo cô nàng buôn hàng, ở Quảng Châu (Trung Quốc) có một khu "hàng nhái cao cấp", nhận đặt làm theo yêu cầu những y phục, phụ kiện y chang mẫu mã chính hiệu bên trời Tây và tất nhiên, không có nửa chữ Trung Quốc.

"Hàng hiệu đặt ở đây rất hợp gu mình - nếu hàng xịn của nước ngoài thường dành cho khổ người của Tây, ít size cho dáng người châu Á mảnh mai. Nếu hàng "đặt" thì sẽ đúng chuẩn: size châu Á, mẫu mã của Tây. Đặc biệt hơn, với mỗi mẫu, khách chỉ có thể đặt làm nhái vài cái - hàng hiệu mà, cũng là để giữ uy tín cho người nhập hàng", cô nàng buôn hàng Trung Quốc kể.

(Theo Gia Đình Xã Hội)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét