Hotline:

Vá quần áo thời hàng hiệu

Đến ngõ Thanh Miến trên đường Nguyễn Thái Học, cạnh khách sạn Bàn Cờ, mới thấy, nghề vá quần áo vấn còn phát đạt. Quần áo cần vá ở đây có đủ loại, từ chất liệu vải bình thường, đến đồ jean, ka ki, tơ lụa, len, sợi, thậm chí cả những bộ veston sang trọng, người ta cũng mang đến.

Nghề hái ra tiền

Đầu ngõ Thanh Miến có 3 cửa hiệu chuyên sang sợi, mạng quần áo cũ trông cũng cũ kỹ như quần áo khách mang đến. Đầu tiên là cửa hiệu của bà Hồng, trông khá đắt khách với lô quần áo chất đống trên giường. Bà Hồng cho biết, bây giờ còn ít chứ vào mùa đông, làm giao hàng cho khách không kịp. Cửa hiệu của bà Hồi, bà Hồng đã có thâm niên vài chục năm, riêng bà Hảo cạnh bên thì mới mở. Bà Hồi khoe, khách hàng của bà rất nhiều, đủ thành phần. Khách hàng nhờ vá lại, khi là một cái váy mới mua không may bị rách, khi là một vật kỷ niệm, một cái quần hay áo đẹp quá không nỡ rời xa hoặc hàng hiệu không dễ gì tìm mua được. Bà Hồi nói, quần áo mang đến đây ít có cái nào có giá dưới 200.000 đồng.

Tám giờ sáng, các cửa hiệu vá quần áo bắt đầu dọn hàng. Khi tôi đến, bà Hồng đang cặm cụi mạng một áo jean cũ. Bà Hồng phải kỳ công rút chỉ từ mặt trong của gấu áo, chỗ được gập đôi, dùng chính chỉ ấy để mạng. Đều đặn và tỉ mẩn, bà Hồng ngồi mạng lại từng chỗ rách. Không hiểu chiếc áo jean kia có ý nghĩa thế nào đối với chủ nhân của nó, nhưng nếu là tôi, có lẽ sẽ không bỏ ra tới 30.000 đồng để mạng lại.

Khi tôi nói ra điều này, bà Hồng cười, nhận xét: “Đời sống khá giả, người ta mặc nhiều quần áo hàng hiệu thì nghề này mới phát triển. Nếu quần áo không đắt thì người ta tiếc gì mà không vứt đi, mang đến đây chi cho tốn tiền”. Giá mạng, sang sợi phổ biến từ 10.000 đến 15.000 đồng/cm2. Có khi làm một bộ comple bị gián nhấm, tiền công đến 300.000 đồng. Bà Hồng, bà Hồi... đều khẳng định, mỗi ngày mỗi cửa hiệu trung bình nhận 10 chiếc quần, áo, thu nhập tính ra cũng trên dưới 250.000 đồng.

Truyền nghề cho con cháu

Trước đây ngoài ngõ Thanh Miến, một số hộ dân trên phố cổ Hàng Gai, Hàng Hòm cũng mở cửa hàng vá áo, nhưng nay thì hầu hết đã chuyển nghề. Bởi công việc này không phải ai cũng làm được. Nhìn qua thì việc vá áo, quần tưởng chừng đơn giản, nhưng bắt tay vào làm thì không dễ chút nào. Vá quần áo thì có thể ai cũng làm được, nhưng vá mà không thấy miếng vá, mạng mà không thấy miếng mạng, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Bà Hồi đã có thâm niên 31 năm trong nghề, thế mà đến giờ, mạng, sang sợi 1 cm2 quần, áo cũng phải mất đến một giờ rưỡi. Nhìn thoáng qua sản phẩm của bà, tôi không nhận ra miếng vá ở chỗ nào. Từ chỗ sờn, miếng rách nhỏ đến miếng rách cỡ bàn tay, những cửa hàng ở đây đều vá được, và vá đẹp.

Bà Hồi và bà Hồng là chị em bạn dâu, nghề này do mẹ chồng, cụ Tạ Huệ Diệp, nay đã 84 tuổi, truyền lại. Thời Pháp, cụ Diệp từng học nghề của một người thợ Trung Hoa, sau đó mở một cửa hiệu mạng, sang sợi quần áo. Ban đầu chỉ có khách người Việt, sau một vài năm, cả ông tây bà đầm cũng tìm đến. Ngay cả hiệu may Tô Châu lớn nhất và nổi tiếng nhất Hà Nội lúc bấy giờ thi thoảng cũng nhờ bà Diệp đến mạng, sang sợi quần áo. Đến giờ thì các bà cũng đang tìm cách truyền lại nghề cho con cháu, dù để thạo nghề có khi phải đến một vài năm.

Theo Hoàng Dung
Người lao động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét