Hotline:

Văn hoá hàng hiệu

Bỏ một khoản tiền lớn ra để mua một cây bút Montblanc, chiếc túi Aigner, đồng hồ Rolex, bộ vest Versace... hay bất cứ một sản phẩm cao cấp nào khác, không đơn giản là mua quyền sở hữu một sản phẩm có thương hiệu mà bạn đang tham gia vào một nền văn hóa mới có đẳng cấp - văn hóa hàng hiệu.

Bản thân người sử dụng sẽ nhận ra sự khác biệt mà mọi người dành cho mình. Và chắc họ cũng biết rằng rất nhiều người đang thầm mong có cơ hội sở hữu sản phẩm cao cấp như thế.

Bạn tham gia một cuộc hội thảo. Cài một cây bút thường vào túi áo, chẳng ai để ý đến bạn. Nhưng nếu bạn cài một chiếc bút có bông hoa tuyết nhỏ xíu ở trên nắp thì mọi người sẽ nhìn bạn khác đi. Sẽ có tới 90% nhân vật trong cuộc hội thảo biết bạn đang sở hữu chiếc Montblanc. Và chắc chắn bạn sẽ nhận được vài câu làm quen theo kiểu: "Anh có chiếc bút đẹp quá!".

Tầng trệt Diamond Plaza ngào ngạt mùi hương. Mọi người chen nhau trên lối đi nhỏ xíu giữa các gian hàng. Một phụ nữ sải dài bước chân, vượt lên trên. Chỉ thoáng qua thôi, cũng đủ để mọi người ngoái nhìn cô. Điều họ chú ý không phải cô gái ấy xinh đẹp, có mái tóc óng ánh nhuộm tận bên Thái hay đôi bốt cao điệu đà. Họ quan tâm vì nhận ra cô dùng nước hoa Chanel No 5. Cô gái đi qua, để lại cho mọi người cảm giác tiếc nuối. Một số người vẫn mong có cơ hội ngây ngất vì mùi hương quyến rũ đó thêm một lần nữa.

Phòng chờ lên máy bay đang yên lặng. Tiếng chuông reo. Chủ nhân rút ra một chiếc điện thoại và cất giọng sang sảng. Ngay lập tức, mọi ánh mắt đổ dồn về phía ông. Họ chẳng thèm để ý nội dung cuộc đàm thoại là gì, họ chỉ để ý đến chiếc Vertu Signature trị giá khoảng 20.000USD mà ông đang cầm trên tay. Sau đó, họ mới ưu ái mỉm cười với chủ nhân của nó. Một ông Tây "mắt tròn mắt dẹt" quay sang hỏi người bên cạnh: "Ở Việt Nam các bạn đã dùng điện thoại này rồi cơ à?".

Van hoa hang hieu

Cây bút Montblanc

Đó chính là nét văn hóa hàng hiệu. Dù vô tình hay cố ý, người sử dụng hàng hiệu luôn tạo cho mình một phong cách riêng, phong thái riêng, một đẳng cấp riêng. Và đó cũng chính là lý do tại sao người ta lại có thể dễ dàng thay đổi thái độ hay dễ dàng dành cảm tình, sự quan tâm, ngưỡng mộ cho một nhân vật dùng hàng hiệu đến vậy. Hàng hiệu rất dễ làm bạn lộ diện trước đám đông. Nhờ nó, bỗng chốc bạn trở nên "đáng nể" hơn trong mắt mọi người.

Hàng hiệu - giá trị bản thân

Công bằng mà nói, hàng hiệu cũng rất dễ làm tăng giá trị của người sử dụng trước bàn dân thiên hạ. Nói gì thì nói, khi bạn đeo một chiếc Patek Philippe giá ngót ngét 18.000 thì khác hẳn với cũng chính anh chàng bạn đeo chiếc Seiko khoảng 150USD. Hàng hiệu giúp cho con người ta cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp. Hàng hiệu ưu ái mang lại cho bạn một tấm vé VIP bước vào giới thượng lưu, thế giới của những người giàu có và sành điệu.

Thế giới thay đổi, quan niệm sống cũng thay đổi. Bạn không thể ăn mặc giản dị xuất hiện trong một bữa tiệc quan trọng. Bạn sẽ phải tìm trong tủ quần áo một bộ cánh mà bạn cảm thấy ưng ý nhất. Và chắc chắn chỉ có những sản phẩm hiệu mới giúp bạn cảm thấy tự tin. Chính vì các mối quan hệ cá nhân cũng như trong công việc, người ta thấy cần thiết phải trang bị cho bản thân một số sản phẩm hiệu.

Van hoa hang hieu

Đồng hồ hãng Omega

Bạn đừng bao giờ tự lừa dối bản thân và những người xung quanh bằng những sản phẩm nhái có thương hiệu. Cũng đừng ung dung cho rằng thiên hạ không biết mình dùng hàng nhái. Họ biết cả đấy nhưng không thích nói ra thôi. Và tất yếu, giá trị bản thân bạn cũng đang bị hạ thấp với mớ hàng nhái đó trong mắt người khác.

Tôi còn nhớ và vẫn còn một chút xấu hổ khi nhớ lại chuyện một khách hàng nói với tôi: "Cậu đang dùng chiếc đồng hồ giả". Quả thật, tôi đang đeo chiếc đồng hồ nhái hiệu Longines. Tôi xấu hổ và chỉ mong mặt đất nứt ra để chui xuống. Và tôi cũng biết, vị khách hàng đó phải quý tôi lắm mới nhắc nhở. Từ đó, tôi mới hiểu được giá trị văn hóa của hàng hiệu.

Chưa có tiền mua một chiếc Longines, Rado, Omega hay Rolex thì bạn có thể gom tiền mua một chiếc Seiko, Guess, Titoni, Mathay Tissot hay Claude Bernard. Nếu tài chính khá hơn, bạn có thể mua chiếc Hamilton, CK, Balmain hay Edox. Mọi người không quan trọng bạn đeo nhãn hiệu nào miễn là hàng thật. Họ chỉ sợ bạn tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả thôi.

Hàng hiệu - tính đồng bộ

Hiện tại, mọi người đang cố gắng hoàn thiện mình hơn nên cũng quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm cao cấp hơn. Mọi người đều muốn mình ăn mặc thật bảnh, bề ngoài phải thật ấn tượng. Và chẳng có gì gây ấn tượng cho người đối diện tốt hơn hàng hiệu cả. Hàng hiệu mang tính đồng bộ nên hàng hiệu chỉ dành cho những người có thu nhập cao.

Bạn không thể nào chạy xe máy với chiếc Vertu trong túi quần! Tốt nhất bạn nên đi Mercedes, BMW hay chí ít cũng Toyota. Còn nếu vẫn muốn đi xe máy thì làm ơn dùng Nokia hay Samsung thôi. Bạn bỏ cả ngàn đô mua bộ Versace thì cũng làm ơn vứt đôi giày Hồng Thạnh hay Pasteur đi và thay vào đó là đôi Clarks, Alain Delon hoặc Valentino.

Tôi biết một chuyên viên marketing. Nhìn anh ăn mặc thì chỗ nào cũng hiệu cả. Từ quần áo, giày, ví tới đồng hồ toàn hiệu là hiệu. Nhìn lướt qua, đếm vội cũng được vài thương hiệu lớn tồn tại trên con người anh. Một chiếc bút Montblanc xinh xắn nơi túi áo, chiếc cà vạt Duhill và chiếc kẹp Porsche Design, kính Cartier và ấn tượng nhất vẫn là chiếc đồng hồ Tag Heuer trị giá vài ngàn đô.

Câu thành ngữ "chiếc áo khoác không làm nên thầy tu" hoàn toàn không đúng trong thời điểm này. Trong công việc giao tiếp, bạn chẳng thể nào đem lòng tốt hay uy tín cá nhân và dùng võ miệng để thuyết phục một đối tác nước ngoài hợp tác với mình. Bạn xuất hiện giản dị, ăn mặc xuềnh xoàng sẽ khác hẳn khi bạn mặc vest của Pierre Cardin, thắt cà vạt Arrow, túi cài bút Omas, chân đi giày Roberto Cavalli, tay đeo đồng hồ Omega và xách chiếc cặp Salvatore Ferragamo. Đảm bảo phong cách sành điệu của bạn sẽ tạo cảm giác yên tâm cho đối tác, và giúp bạn 70% thắng lợi rồi. 30% còn lại phụ thuộc vào tài thương thuyết của bạn.

(theo Phong Cách)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét