Hotline:

Thời trang giữa đời thường

Trong xã hội hiện đại, trang phục thể hiện phong cách riêng của người mặc. Không riêng giới nghệ sĩ, diễn viên quan tâm đến thời trang mà cả những viên chức, công nhân, người lao động cũng có những chọn lựa riêng về trang phục để vừa tạo sự thoải mái trong công việc vừa thể hiện cá tính.

Khi giới sành điệu chọn

Thể hiện cái tôi trước cộng đồng là điều trước tiên giới sành điệu hướng tới. Họ có thể là anh giám đốc đang ăn nên làm ra, các "cậu ấm cô chiêu" của những gia đình giàu có, cũng có thể là giới trí thức, nghệ sĩ hoặc những tay trúng quả đậm nhờ đầu cơ vào đất đai, nhà cửa... nhưng đều chung một quan niệm là muốn mọi người chiêm ngưỡng mình qua cách họ tiêu xài, thể hiện "đẳng cấp" bằng những trang phục đắt tiền.

Giới nghệ sĩ thì thích chọn cho mình những bộ cánh khác người để thu hút sự chú ý của khán giả. Những lần lưu diễn nước ngoài, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Hồ Quỳnh Hương, Lam Trường, Đan Trường, Thanh Thảo... đều tranh thủ shopping để chọn những bộ trang phục vừa ý nhất nhưng vẫn phải đảm bảo những tiêu chí: sang trọng, quý phái, lịch lãm nhưng cũng không kém phần phá cách. Hoặc một số ca sĩ khác thì đặt nhà thiết kế trong nước may những bộ trang phục thật rock, thật xì-tin để chứng tỏ cái riêng đầy cá tính của họ.

Dạo một vòng quanh các bar, quán cà phê, điều đập vào mắt tôi trước tiên có lẽ là phong cách ăn mặc hip hop của lứa tuổi teen hiện nay với quần jeans, kaki ống rộng, cạp trễ, nhiều túi, nón lưỡi trai đội ngược, áo thun đủ màu sắc và vô số vòng dây quấn quanh cổ, tay hoặc bụng. Phải chăng đó cũng là cách mà giới trẻ thể hiện cá tính qua những mẫu quần áo, đầu tóc rập khuôn theo văn hóa Âu - Mỹ?

Giới doanh nhân có cái nhìn kín đáo hơn về trang phục. Có thể họ sẽ chọn hàng hiệu nhưng cũng chỉ là những chiếc áo chemise hoặc quần tây Armani, Pierre Cardin, Ralph Lauren hoặc đôi khi là Việt Tiến. Cách mà giới doanh nhân muốn là bộ trang phục phải tiện dụng, thoải mái nhưng vẫn thể hiện sự lịch lãm, sang trọng. Giá cả không thành vấn đề vì họ không chạy theo mốt mà thường chọn những kiểu trang phục cổ điển, đứng đắn. Minh Quân, 40 tuổi, giám đốc một công ty TNHH tại TP.HCM - rất thích dùng hàng hiệu nước ngoài vì những bộ quần áo đó luôn tạo cho anh cảm giác tự tin khi tiếp xúc với mọi người và quan trọng hơn nữa là khi ăn mặc bảnh bao dường như anh ký được nhiều hợp đồng hơn trước. Thứ đến là chuyện chất lượng. Quân nói chất lượng của các sản phẩm hàng hiệu không có gì phải phàn nàn, giá cả thì không đáng quan tâm vì "tiền nào của đó" mà!

Thoi trang giua doi thuong

Giới ca sĩ thường rất chú trọng đến thời trang

Sự lựa chọn của công nhân viên chức và giới trung lưu

Không nhiều tiền như giới thượng lưu nhưng tầng lớp trung lưu vẫn có thể chọn cho mình được bộ cánh vừa ý. Chỉ với 300.000 đồng, bạn có thể chọn cho mình một bộ quần áo thật lịch sự với các nhãn hiệu tên tuổi như Việt Thắng, Việt Tiến, Sanding. Nếu muốn trẻ trung hơn, có thể chuyển sang mua quần jeans, áo thun của Nino Maxx hay B-Blue mà giá cả cũng khá phù hợp với thu nhập. Hoặc có thời gian rảnh, cứ xách xe đến các phố thời trang như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám hay vào chợ Tân Bình, An Đông... hàng trăm mẫu quần áo mốt nhất sẽ thỏa mãn yêu cầu cho mọi người.

Đa số người tiêu dùng hiện nay đều thích chọn quần áo may sẵn hơn đến tiệm vì các lý do: không có thời gian mua vải rồi chọn kiểu, chờ may, mặc thử, chỉnh sửa... Tùy theo cá tính riêng của từng người, thị trường luôn cung ứng đủ loại thời trang nhập từ các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc của các cơ sở tư nhân nhái các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài. Người mua dù biết đó là hàng giả nhưng vẫn chấp nhận vì quan niệm "tiền nào của nấy" và họ cũng chỉ sử dụng đôi ba tháng chứ không cần "ăn chắc mặc bền" như trước nữa. Khác với trước, giờ đây người tiêu dùng đã gần như nghiêng hẳn về thời trang may sẵn vì sự đa dạng của thị trường may mặc và tâm lý "ăn chắc mặc bền" không là tiêu chí hàng đầu mà "đẹp, thời trang, giá cả phải chăng" đã trở thành tất yếu trong xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Ăn mặc là chuyện riêng tư của mỗi người và cách thể hiện cái tôi qua trang phục là phạm trù thuộc về từng cá nhân. Tuy nhiên không phải cứ dùng hàng hiệu, đắt tiền, đúng mốt mới là sành điệu hay ăn mặc hở hang để thu hút sự chú ý của người khác mới là người theo kịp thời đại. Bản lĩnh không chỉ được đánh giá qua những gì đang mặc trên người - dù đó là điều thể hiện gu thẩm mỹ của mỗi cá nhân - mà còn thể hiện qua thành công trong nghề nghiệp với sự am hiểu thấu đáo về văn hóa mặc.

Vũ Ngọc Đãng - Đạo diễn điện ảnh. Tôi không bao giờ dùng hàng hiệu, đơn giản vì không phải là người có nhiều tiền. Tôi còn phải chi nhiều việc đáng giá hơn quần áo. Suốt ngày ở ngoài đường nên tôi thích mặc quần jeans, áo thun vừa tiện lợi vừa thoải mái khi làm việc. Với tôi, hàng Việt có chất lượng cũng khá tốt, giá cả hợp với đa số mọi người. Trong bộ phim truyền hình dài 30 tập sắp khởi quay, tôi dự định sẽ dùng trang phục của một công ty may Việt Nam.

Hoài Hương - Họa sĩ thiết kế nội thất. Theo tôi, hàng hiệu bản thân không hề mang khái niệm xấu nhưng người trẻ thường dựa vào đó để tạo sự tự tin hơn về tinh thần khi giao tiếp. Lúc trưởng thành, sự thành công trong cuộc sống, nghề nghiệp, sự từng trải của bản thân sẽ khiến họ tự tạo ra một thương hiệu riêng cho bản thân phù hợp với đẳng cấp xã hội, truyền thống văn hóa mình được thẩm thấu và không ai khác hơn ngoài chính họ sẽ tìm ra phong cách ăn mặc nào phù hợp nhất. Tôi thích những bộ quần áo có phong cách riêng vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại vừa kết hợp hài hòa với văn hóa truyền thống.

Hồng Ánh - Diễn viên điện ảnh. Tôi thích quần áo may sẵn vì đến nay vẫn chưa tìm ra tiệm may nào ưng ý. Tôi thường mua quần áo hiệu Mango do có nhiều mẫu mã, màu sắc, tiện dụng. Khi làm MC trên đài truyền hình, tôi chọn áo dài hoặc complet. Tôi luôn trung thành với phong cách ăn mặc thể thao, mạnh mẽ, sôi động có lẽ do cá tính và dáng dấp giống con trai!

Hải Đông - Nhiếp ảnh gia. Quần áo hả? Tôi chỉ thích quần jeans, kaki, áo thun hiệu Diesel, Gap hoặc Banana Republic nhưng cũng có cả áo thun của Hanosimex nữa. Giày thì thích kiểu nào thì mua nhưng nhiều nhất vẫn là Levi"s và Diesel. Tôi thích hàng hiệu vì chất liệu, kiểu dáng, màu sắc rất đẹp, mặc vào người khác hẳn hàng Việt Nam. Tôi không biết đó là do hàng Việt Nam may không chuẩn hay hình dáng tôi có vấn đề?

Danh Nghi

Sốt hàng hiệu Campuchia

Gần đây, giới trẻ Sài Gòn rất chuộng hàng hiệu Campuchia. "Hàng về không kịp, lấy đến đâu bán hết đến đó nhưng vẫn không đủ bán cho khách...", chị Yến, chủ cửa hàng quần áo trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, quảng cáo về mặt hàng chủ lực tại cửa hàng của mình.

Đảo qua một vòng, thấy bắt mắt nhất là màu sắc của loại hàng này. Từ áo thun đến sơ mi và những chiếc váy ngắn-dài đủ kiểu, màu sắc được phối nhã nhặn giữa các gam hồng, cam, vàng... Điểm đặc biệt nữa là chất liệu vải mềm, mịn và mát, kiểu cách đơn giản phù hợp mọi đối tượng và có thể “diện" ở nhiều nơi.

Không có tên hiệu riêng biệt, mỗi lô hàng về với một cái tên khác nhau như Old Navy, Bossini (tất nhiên là nhái), Topshop, Dorothy Perkins, H&M... nhưng đều Made in Cambodia.

Chị Yến cho biết, hàng đưa về như dạng hàng xuất khẩu nên thường không đủ size vì lúc có, lúc không... Đúng như lời chị, có những món là hàng độc, đẹp như hàng xịn từ mẫu mã, chất liệu vải và cả chất lượng nhưng giá thành chỉ bằng l/5 hàng chính hiệu.

Cửa hàng chuyên hiệu Campuchia không nhiều nhưng có style riêng và lượng khách riêng. Áo thun và cotton đa số là cổ điển nhưng không lỗi thời vì đó là những form áo thích hợp cho cả lúc đi làm lẫn đi chơi.

Một số hàng nhái 2 nhãn hiệu nổi tiếng là Old Navy và Bossini nhưng chất liệu vải cũng như kiểu dáng đẹp không thua gì hàng thật.

Giá áo trung bình 90-150 nghìn đồng, quần 150-250 nghìn đồng. Nhiều người quen xài hàng hiệu Campuchia cho SGGP biết: "Form áo quần rất đẹp và Tây, giá cả bằng một số nhãn hiệu chất lượng cao của Việt Nam nhưng chất liệu vải không đụng hàng, đôi khi còn tìm được hàng độc nữa...".

Việt Báo

Văn hoá hàng hiệu

Bỏ một khoản tiền lớn ra để mua một cây bút Montblanc, chiếc túi Aigner, đồng hồ Rolex, bộ vest Versace... hay bất cứ một sản phẩm cao cấp nào khác, không đơn giản là mua quyền sở hữu một sản phẩm có thương hiệu mà bạn đang tham gia vào một nền văn hóa mới có đẳng cấp - văn hóa hàng hiệu.

Bản thân người sử dụng sẽ nhận ra sự khác biệt mà mọi người dành cho mình. Và chắc họ cũng biết rằng rất nhiều người đang thầm mong có cơ hội sở hữu sản phẩm cao cấp như thế.

Bạn tham gia một cuộc hội thảo. Cài một cây bút thường vào túi áo, chẳng ai để ý đến bạn. Nhưng nếu bạn cài một chiếc bút có bông hoa tuyết nhỏ xíu ở trên nắp thì mọi người sẽ nhìn bạn khác đi. Sẽ có tới 90% nhân vật trong cuộc hội thảo biết bạn đang sở hữu chiếc Montblanc. Và chắc chắn bạn sẽ nhận được vài câu làm quen theo kiểu: "Anh có chiếc bút đẹp quá!".

Tầng trệt Diamond Plaza ngào ngạt mùi hương. Mọi người chen nhau trên lối đi nhỏ xíu giữa các gian hàng. Một phụ nữ sải dài bước chân, vượt lên trên. Chỉ thoáng qua thôi, cũng đủ để mọi người ngoái nhìn cô. Điều họ chú ý không phải cô gái ấy xinh đẹp, có mái tóc óng ánh nhuộm tận bên Thái hay đôi bốt cao điệu đà. Họ quan tâm vì nhận ra cô dùng nước hoa Chanel No 5. Cô gái đi qua, để lại cho mọi người cảm giác tiếc nuối. Một số người vẫn mong có cơ hội ngây ngất vì mùi hương quyến rũ đó thêm một lần nữa.

Phòng chờ lên máy bay đang yên lặng. Tiếng chuông reo. Chủ nhân rút ra một chiếc điện thoại và cất giọng sang sảng. Ngay lập tức, mọi ánh mắt đổ dồn về phía ông. Họ chẳng thèm để ý nội dung cuộc đàm thoại là gì, họ chỉ để ý đến chiếc Vertu Signature trị giá khoảng 20.000USD mà ông đang cầm trên tay. Sau đó, họ mới ưu ái mỉm cười với chủ nhân của nó. Một ông Tây "mắt tròn mắt dẹt" quay sang hỏi người bên cạnh: "Ở Việt Nam các bạn đã dùng điện thoại này rồi cơ à?".

Van hoa hang hieu

Cây bút Montblanc

Đó chính là nét văn hóa hàng hiệu. Dù vô tình hay cố ý, người sử dụng hàng hiệu luôn tạo cho mình một phong cách riêng, phong thái riêng, một đẳng cấp riêng. Và đó cũng chính là lý do tại sao người ta lại có thể dễ dàng thay đổi thái độ hay dễ dàng dành cảm tình, sự quan tâm, ngưỡng mộ cho một nhân vật dùng hàng hiệu đến vậy. Hàng hiệu rất dễ làm bạn lộ diện trước đám đông. Nhờ nó, bỗng chốc bạn trở nên "đáng nể" hơn trong mắt mọi người.

Hàng hiệu - giá trị bản thân

Công bằng mà nói, hàng hiệu cũng rất dễ làm tăng giá trị của người sử dụng trước bàn dân thiên hạ. Nói gì thì nói, khi bạn đeo một chiếc Patek Philippe giá ngót ngét 18.000 thì khác hẳn với cũng chính anh chàng bạn đeo chiếc Seiko khoảng 150USD. Hàng hiệu giúp cho con người ta cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp. Hàng hiệu ưu ái mang lại cho bạn một tấm vé VIP bước vào giới thượng lưu, thế giới của những người giàu có và sành điệu.

Thế giới thay đổi, quan niệm sống cũng thay đổi. Bạn không thể ăn mặc giản dị xuất hiện trong một bữa tiệc quan trọng. Bạn sẽ phải tìm trong tủ quần áo một bộ cánh mà bạn cảm thấy ưng ý nhất. Và chắc chắn chỉ có những sản phẩm hiệu mới giúp bạn cảm thấy tự tin. Chính vì các mối quan hệ cá nhân cũng như trong công việc, người ta thấy cần thiết phải trang bị cho bản thân một số sản phẩm hiệu.

Van hoa hang hieu

Đồng hồ hãng Omega

Bạn đừng bao giờ tự lừa dối bản thân và những người xung quanh bằng những sản phẩm nhái có thương hiệu. Cũng đừng ung dung cho rằng thiên hạ không biết mình dùng hàng nhái. Họ biết cả đấy nhưng không thích nói ra thôi. Và tất yếu, giá trị bản thân bạn cũng đang bị hạ thấp với mớ hàng nhái đó trong mắt người khác.

Tôi còn nhớ và vẫn còn một chút xấu hổ khi nhớ lại chuyện một khách hàng nói với tôi: "Cậu đang dùng chiếc đồng hồ giả". Quả thật, tôi đang đeo chiếc đồng hồ nhái hiệu Longines. Tôi xấu hổ và chỉ mong mặt đất nứt ra để chui xuống. Và tôi cũng biết, vị khách hàng đó phải quý tôi lắm mới nhắc nhở. Từ đó, tôi mới hiểu được giá trị văn hóa của hàng hiệu.

Chưa có tiền mua một chiếc Longines, Rado, Omega hay Rolex thì bạn có thể gom tiền mua một chiếc Seiko, Guess, Titoni, Mathay Tissot hay Claude Bernard. Nếu tài chính khá hơn, bạn có thể mua chiếc Hamilton, CK, Balmain hay Edox. Mọi người không quan trọng bạn đeo nhãn hiệu nào miễn là hàng thật. Họ chỉ sợ bạn tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả thôi.

Hàng hiệu - tính đồng bộ

Hiện tại, mọi người đang cố gắng hoàn thiện mình hơn nên cũng quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm cao cấp hơn. Mọi người đều muốn mình ăn mặc thật bảnh, bề ngoài phải thật ấn tượng. Và chẳng có gì gây ấn tượng cho người đối diện tốt hơn hàng hiệu cả. Hàng hiệu mang tính đồng bộ nên hàng hiệu chỉ dành cho những người có thu nhập cao.

Bạn không thể nào chạy xe máy với chiếc Vertu trong túi quần! Tốt nhất bạn nên đi Mercedes, BMW hay chí ít cũng Toyota. Còn nếu vẫn muốn đi xe máy thì làm ơn dùng Nokia hay Samsung thôi. Bạn bỏ cả ngàn đô mua bộ Versace thì cũng làm ơn vứt đôi giày Hồng Thạnh hay Pasteur đi và thay vào đó là đôi Clarks, Alain Delon hoặc Valentino.

Tôi biết một chuyên viên marketing. Nhìn anh ăn mặc thì chỗ nào cũng hiệu cả. Từ quần áo, giày, ví tới đồng hồ toàn hiệu là hiệu. Nhìn lướt qua, đếm vội cũng được vài thương hiệu lớn tồn tại trên con người anh. Một chiếc bút Montblanc xinh xắn nơi túi áo, chiếc cà vạt Duhill và chiếc kẹp Porsche Design, kính Cartier và ấn tượng nhất vẫn là chiếc đồng hồ Tag Heuer trị giá vài ngàn đô.

Câu thành ngữ "chiếc áo khoác không làm nên thầy tu" hoàn toàn không đúng trong thời điểm này. Trong công việc giao tiếp, bạn chẳng thể nào đem lòng tốt hay uy tín cá nhân và dùng võ miệng để thuyết phục một đối tác nước ngoài hợp tác với mình. Bạn xuất hiện giản dị, ăn mặc xuềnh xoàng sẽ khác hẳn khi bạn mặc vest của Pierre Cardin, thắt cà vạt Arrow, túi cài bút Omas, chân đi giày Roberto Cavalli, tay đeo đồng hồ Omega và xách chiếc cặp Salvatore Ferragamo. Đảm bảo phong cách sành điệu của bạn sẽ tạo cảm giác yên tâm cho đối tác, và giúp bạn 70% thắng lợi rồi. 30% còn lại phụ thuộc vào tài thương thuyết của bạn.

(theo Phong Cách)

Săn hàng hiệu “on sale”

Săn lùng đồ giảm giá (sale off, on sale) là thú vui hấp dẫn nhiều phụ nữ. Những ngày này ra đường ở TP.HCM đâu đâu cũng thấy các cửa hàng treo băng rôn, cờ phướn với khẩu hiệu “hoành tráng” như “giảm giá từ 70 - 80%”, “đặc biệt 100 ngàn đồng 3 món”, “Big sales”… Đáng chú ý hơn là các shop hàng hiệu cũng vào cuộc.

“Săn” hàng hiệu giá rẻ - chỉ bằng một nửa thường ngày thì còn gì thích bằng, nghĩ thế nên tôi quyết định làm một chuyến tuyển hàng, bổ sung “quân” vào tủ quần áo trong dịp lễ Tết cuối năm này.

San hang hieu on sale
Biển giảm giá lớn đã kéo khá nhiều khách hàng vào shop này. Ảnh: Nguyễn Sa

Hàng hiệu Mỹ “made in VN”… giả

Tại TP.HCM nói đến tên đường Lê Văn Sĩ (Q.3) là nhiều người hình dung ra ngay đây là con đường chuyên về buôn bán áo quần thời trang, ước tính sơ có đến hằng trăm cửa hàng thời trang nằm dọc 2 bên tuyến đường dài chưa đầy 2km này. Khoảng 19h cửa hàng nào cũng đông khách, lượng khách mua hàng tỷ lệ thuận với tấm biển sale off: biển và số % giảm càng lớn thì khách càng đông.

Tôi chen chân vào một cửa hàng trên đường Lê Văn Sĩ, Q.3 (không còn thấy được bảng hiệu và tên cửa hàng vì tấm biển “Giảm giá 70%” đã che kín bảng tên). Vẻ háo hức hiện rõ trên gương mặt nhễ nhại mồ hôi vì chen lấn của nhiều khách hàng, một người vừa ướm thử tại chỗ chiếc áo màu đen (đông quá không đủ phòng thử) vừa rủ rỉ với người bạn đi cùng: “Này, áo hiệu Mango chỉ có 70.000 đồng nè”.

Tôi cũng tranh thủ xà vào đống đồ, tìm những mẫu ưng ý cho mình. Quần áo ở đây đều mang những thương hiệu Mỹ nổi tiếng như Mango, Old Navy, Chanel… Theo lý giải của những người bán hàng, đây là nguồn hàng xuất khẩu (VN gia công cho các công ty nước ngoài) còn tồn đọng nên nhà sản xuất bán ra thị trường.

Nếu đúng là hàng xuất khẩu tồn kho thì chất lượng không có gì đáng bàn, nhưng tôi đã từng tìm hiểu nhiều về thị trường thời trang nên nhìn qua một số mẫu quần áo là tôi biết rõ hầu hết các sản phẩm được bán ra là giả hàng xuất khẩu.

Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều cửa hàng thời trang trưng bảng hiệu “Hàng xuất khẩu”, “Thanh lý hàng tồn kho” hoặc để thẳng tên các thương hiệu như Bebe, Guess, Tommy Helfiger, CK, Versace… nhằm thu hút những “tín đồ” khoái xài hàng hiệu giá rẻ.

Thực tế, đây là những sản phẩm do những cơ sở may mặc sản xuất, nhà sản xuất có thể tự thiết kế kiểu dáng hoặc nhái mẫu mã hàng hiệu sau đó mua mác mang các thương hiệu này gắn vào. Về vấn đề mác giả, chỉ cần bạn đến Cư xá Đại Quang Minh (Q.5) hoặc Chợ Tân Bình (Q. Tân Bình) là có thể “tậu” đủ các loại mác giả hiệu ngoại, từ D&G đến Chanel.

San hang hieu on sale

Các cửa hàng "sale off" luôn tấp nập khách ra - vào. (Ảnh: Nguyễn Sa)

Thật - ảo lẫn lộn

Tiếp tục vào cửa hàng 292 Lê Văn Sĩ (cũng là nơi bán hàng giả hàng hiệu xuất khẩu và đang áp dụng giảm giá từ 10-70%). Sau một hồi lục lọi tôi tìm được 3 chiếc áo có kiểu dáng ưng ý, giá mỗi chiếc chỉ từ 60 - 65.000đ. Đang hớn hở vì nghĩ mình đã “săn” được vài món hời tôi chợt nhìn thấy chiếc áo AberCrombie and Fitch giống y chang như một cái tôi đã sở hữu ở nhà, xem qua giá đã sale rồi là 65.000 đồng. Trong khi đó, cách đây khoảng một tháng tôi mua tại shop khác (không có chương trình giảm giá) mà chỉ có 55.000đ.

Tại một cửa hàng có biển giảm giá từ 30 - 80% trên đường CMT8 (Q.10), trông bề ngoài rất thu hút nhưng khi vào trong rồi mới thấy trong ngoài thất vọng vì ở đây chỉ giảm giá một số ít mặt hàng, chủ yếu là sản phẩm đã qua môđen và chất lượng đã xuống cấp như bạc màu, xổ lông, cũ...

Đây cũng là một đặc điểm thường thấy trong chiến dịch “on sale” cuối năm nay tại TP.HCM. Các cửa hàng bằng mọi giá phải kéo được khách vào trong nên trưng biển “sale off” rất to và rực rỡ nhưng bên trong số lượng hàng giảm giá lại rất ít, không xứng tầm với lời mời gọi.

Ngoài ra, phần lớn các điểm bán hàng giảm giá đều không cho khách hàng mặc thử, như vậy nếu người tiêu dùng ham rẻ mua về có trục trặc gì thì ráng chịu vì có một qui tắc bất thành văn mà ai đi mua hàng on sale sẽ rõ: hàng “sale off” cấm đổi, trả.

San hang hieu on sale
Học sinh, sinh viên rất quan tâm đến các chương trình giảm giá. (Ảnh: Nguyễn Sa)

“Đãi cát tìm vàng” cũng lắm công phu

Mặc dù có những nhược điểm trên nhưng với nhiều phụ nữ vẫn khó mà bỏ qua các đợt “on sale”. Trong hàng trăm điểm “on sale” với đủ kiểu kinh doanh “thượng vàng hạ cám” trên mà người mua hàng có thể “tậu” cho mình bộ cánh đẹp, “đúng người đúng của” thì còn gì vui bằng. Trên thực tế, trong mùa sale off này cũng có rất nhiều cửa hàng thực hiện chiến lược giảm giá nghiêm túc, không lừa dối khách hàng. Nhìn chung là những cửa hàng thuộc dạng thương hiệu có uy tín thì ít gặp phải trường hợp giảm giá “ảo”. Quan trọng là khi đi mua hàng giảm giá người mua hàng cần biết phân biệt nguồn hàng và phải chịu khó đi nhiều nơi để xem giá, so sánh giá cả… Quan trọng hơn là phải tỉnh táo để không bị cám dỗ, mua quá nhiều những thứ chưa cần dùng. Như Bình, cô bạn của tôi sau vài buổi “lùng” hàng sale khắp các phố luôn miệng khoe về chiếc áo đầm Forus mà cô mua tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi với giá chỉ bằng 50% giá ngày thường. Bản thân tôi, sau 2 đêm lùng sục nhiều điểm sale cũng đã vác về nhà vài bộ quần áo mới. Thật lạ, đi xài tiền vã cả mồ hôi mà trong người lại cứ thấy vui phơi phới như được ai cho quà.

  • Nguyễn Sa

Giới trẻ săn hàng hiệu... nhái

Những sản phẩm mang thương hiệu Louis Vuitton, Gucci... xuất hiện và chiếm lĩnh những trung tâm thương mại sang trọng nhất đang đẩy những “tín đồ” mê hàng hiệu vào cuộc đua không điểm dừng.

Gioi tre san hang hieu nhai
Khó phân biệt hàng thật, hàng nhái trong các cửa hàng thời trang

Khá nhiều bạn trẻ ngày càng mê mẩn với những món “hàng hiệu tính bằng tiền triệu” nhưng hầu bao không phải lúc nào cũng rủng rỉnh đang lao vào cơn say hàng hiệu...nhái.

AQ hàng hiệu... nhái

Bỏ ra hàng triệu đồng để mua túi xách, quần áo, giày dép... không còn là chuyện hiếm nhưng cũng chưa phải là chuyện phổ biến đối với thế hệ 8X, 9X.

Để thỏa mãn nhu cầu sính hàng hiệu và “giải quyết khâu oai”, cách tốt nhất là đi tìm hàng hiệu...nhái.

Cả khách và chủ đều hiểu ngầm những túi xách Louis Vuitton, Bonia, Longchamp... quần áo Levi’s, Lacoste, CK, Valentino, Versace, Guess, Armani... giày dép Clack, Gucci, Columbia... mà giá có vài trăm ngàn đồng chỉ có thể là hàng secondhand hoặc là hàng nhái.

Nhưng dù cho May 10, An Phước, Việt Tiến, Legamex, Tây Đô... có cố gắng cỡ nào thì phần lớn người tiêu dùng vẫn khoái nhãn mác ngoại nổi tiếng gắn trên những áo, quần, giày dép... hơn.

Trước khi trở thành “vương quốc” hàng hiệu nhái ngay trung tâm TPHCM, Saigon Square cũng có thời gian bán hàng hiệu thật. Nhưng nói như bà Đặng Thị Hoa bán va li, túi xách ở đây thì “ngày càng ít người mua nên chuyển sang bán hàng nhái”.

Không chỉ nam thanh, nữ tú mà cả dân Tây, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... giờ cũng xem đây là nơi mua sắm hàng hiệu... lý tưởng!

Nếu đi shopping vào cuối tuần thì cũng không khó gặp vài ca sĩ, diễn viên, MC... quen mặt. Bảo rằng họ không phân biệt nổi hàng hiệu thật và hàng hiệu nhái thì e cũng hơi vô lý, vì chất liệu, kiểu dáng, phụ kiện đi kèm có thể bắt chước đến 99% chứ giá tiền đã tố cáo gần như tất cả.

MC H.A thú thật: “Như cái quần Levi’s mình đang mặc chỉ có 250.000 đồng. Thấy thích là mua thôi dù biết cái 501 này giá chót cũng 2 triệu đồng”.

Còn một chủ shop quá quen thì cười trừ: “Có hạ giá đến 90% cũng không ở nơi nào trên thế giới bán cái Levi’s 501 với giá 200.000 đồng, toàn bộ là hàng Việt Nam đấy, nhưng gắn mác Levi’s vào thì dù có vài lỗi nhỏ cũng bán ào ào”.

Xuống khu Lưu Văn Lang, vào shop Thu & Mai nổi tiếng trên đường Trần Quốc Thảo (Q3) hay ra Minh Hoàng (NKKN), khu Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng... thậm chí cả con đường thời trang Nguyễn Trãi thì hàng nhái vẫn lấn át hàng hiệu.

Ngay cả những trung tâm thương mại lớn như D., Z. và nhất là thương xá Tax thì hàng hiệu nhái cũng “vàng thau lẫn lộn” và gần đây mới được hạn chế dần.

Các chủ shop ở đây đều than thở: “Hàng hiệu thật giá gấp 5-10 lần hàng nhái mà thật ra có cái chỉ vì thương hiệu chứ chất liệu cũng một chín một mười nên phải kèm cho khách dễ lựa chọn vì họ đều biết tiền nào của nấy mà”.

Đối với “dân sành điệu xài hàng hiệu tiền triệu” thì đôi khi những Bossini, Giordano, Nautica... cũng là đổ đồng với hàng trăm nhãn hiệu danh tiếng khác nhưng thật ra đây chỉ là “hàng hiệu vùng” trong khu vực Đông Nam Á, giá cả chỉ vài trăm ngàn đồng/món của các nhãn hiệu dòng phổ thông này đã đủ nói lên đẳng cấp.

Say mất khôn

Gioi tre san hang hieu nhai
Cơn say “sành điệu dùng hàng hiệu tính bằng tiền triệu” đã khiến nhiều bạn trẻ lao vào những cuộc đi săn hàng hiệu... nhái.
Trong khi hàng hiệu thật bày bán tại Diamond, Parkson, Zen... phần lớn sản xuất tại Trung Quốc thì hàng nhái nhập về từ nước này đều được dán nhãn “Made in Vietnam” hoặc “Made in Cambodia”, cá biệt có nhiều món hàng gắn mác “Made in Peru” hay “ Made in India”!

Nhưng được chuộng hơn tất cả là hàng “Made in Vietnam” vì giá rẻ, dễ giải thích “gia công cho các tập đoàn lớn, công nhân lấy ra ngoài bán”.

Từ năm 2004, Nike, Adidas, Clark... cương quyết dẹp hàng nhái tại TPHCM thì hàng loạt shop bán hàng “gia công tại Việt Nam” đã chuyển sang bán hàng hiệu nhái của Trung Quốc với trình độ làm giả đã gần đạt đến thượng thừa.

Ba lô Samsonite cùng loại với giá 350.000 đồng tại một số shop “hàng hiệu” tiếng tăm tại Q1. Q3 nhưng tại Diamond lên tới gần 3 triệu đồng nhìn bề ngoài gần như “anh em sinh đôi”.

Áo Lacoste “ Made in Peru” ngoài khu Lưu Văn Lang giá chỉ 150.000 đồng phải giặt 2,3 lần mới có khác biệt lớn so với Lacoste bán ngoài Đồng Khởi trên 1,5 triệu đồng.

Đồng hồ CK, Gucci, Longines... phải đi qua mùa mưa mới thấy thế nào là hàng dưới 5 triệu đồng và hàng vài ngàn USD chỉ có trong các KS 5 sao.

Riêng túi Louis Vuitton mà xách chạy xe máy thì chỉ tổ cho thiên hạ cười vì Louis Vuitton re rẻ cũng chẳng kém Piaggio là mấy.

Trộn trong họa hoằn vài món hàng hiệu thứ thiệt giá rẻ hơn Diamon, Parkson, Zen Plaza 30-40% mua đại hạ giá từ nước ngoài về là vô vàn jean Levi’s chỉ trên dưới 200.000 đồng;

Lacoste, Polo không quá 60.000 đồng, Clark, Gucci dưới 300.000 đồng, Valentino nhỉnh hơn 150.000 đồng tí, Louis Vuitton, Bonia, Samsonite dưới 250.000 đồng...

Mức giá mà chỉ có những AQ thời đại mới chặc lưỡi là hàng hiệu.

Nhưng cơn say hàng hiệu... nhái làm cho không ít cô, cậu bất chấp tất cả. Họ có thể mặc quần trễ cạp để lộ “underwear” của Victoria’s Secret giá trên 100 USD, đeo Rolex giá chính hãng 20.000 USD/chiếc mà chỉ biết để khoe với bạn bè “tớ mua gần 10 vé đấy” hoặc vệnh mặt “cái Louis Vuitton này gửi mua bên Hồng Kông 9 vé đấy nhé” cho dù Louis Vuitton ấy cùng kiểu đồng giá trên toàn thế giới là 6.570 USD...

Đặng Trung Anh, 26 tuổi, trưởng phòng PR một tập đoàn thực phẩm của Mỹ khẳng định: “Dân chơi hàng hiệu cũng có năm, bảy loại nhưng người say vì phong trào và đua đòi đang chiếm phần lớn.

Lương gần 1.500 USD như tôi cũng chỉ dám mua quần áo, giày dép dưới 1 triệu đồng/món nếu không muốn thâm hụt thường xuyên”.

Còn Dương Quỳnh Chi, 25 tuổi đang làm trợ lý GĐ cho một hãng tàu biển Đài Loan thì cho rằng: “Xài hàng hiệu nếu biết chọn lọc cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm, nhưng cứ nhất thiết phải quần áo, giày dép, túi xách, mũ nón là hiệu hết rồi đi lùng hàng hiệu nhái rẻ tiền để đắp lên người thì có phải sành điệu đúng nghĩa đâu”.

Nếu như biết rằng những Armani, D&K, Guess, Lacoste, Nike, Clark... có khá nhiều sản phẩm dòng phổ thông với giá chỉ ngang ngửa “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và luôn hạ giá lớn từ Á sang Âu mà đa số dân bản địa có thể sắm được thì không hiểu các cô, cậu học đòi có còn lùng bằng mọi giá để “mọi người biết mình là ai” không?

Có lẽ “cơn say hàng hiệu” cả nhái lẫn thật sẽ bớt dần đi khi họ hiểu ra rằng có rất nhiều thứ khác để khẳng định mình hơn là chỉ cần chạy tiền mua là được.

Hà Phan

Thời trang giá rẻ

Khi xu hướng thời trang cũng như thị hiếu chung của người tiêu dùng ngày càng thiên về sự bắt mắt và tiện dụng thì cũng là lúc, thị trường hàng thời trang giá rẻ lên ngôi, đáp ứng nhanh mọi nhu cầu của các “thượng đế”. Thoi trang gia re

Không lo lỗi mốt

Một chiếc áo sơ-mi có hoa văn đẹp mắt, có thể mặc đến công sở, có giá 45.000 – 60.000đ; một chiếc váy xếp pli đang là mốt giá chỉ 70.000 – 90.000đ; một bộ quần áo ngủ kiểu dáng quyến rũ cũng chỉ có 60.000 – 80.000đ... bất cứ lúc nào, người tiêu dùng cũng dễ dàng mua được những bộ trang phục như thế, đơn giản vì chúng được bày bán khắp nơi. Nếu như ai đó đánh đồng “của rẻ là của ôi” thì những bộ quần áo hợp thời trang như đã liệt kê ở trên chắc hẳn phải thuộc diện... có vấn đề.

Chị Hạ Linh (nhân viên công ty Thiên Ngân), người quen dùng quần áo hàng hiệu đã từng trung thành với quan điểm: Thà mua một bộ quần áo cho ra “bộ cánh đàng hoàng” còn hơn có nhiều bộ mà chẳng cái nào hợp mốt. Nhưng sau lần theo bạn vào chọn đồ ở shop bình dân, cách nhìn của chị đã thay đổi.

Cũng như bao chị em khác, Linh thấy kiểu dáng trang phục ở đây cũng rất bắt mắt, mà chất liệu cũng không đến nỗi nào. Với số tiền dành để mua 1 bộ quần áo hàng hiệu, chị đã mua được 3 bộ đồ thời trang loại này và thấy thoả mãn vì vừa có nhiều quần áo để thay đổi vừa đỡ thấy tiếc khi không thích dùng nữa – bỏ đi!

Bây giờ, hầu hết chị em khi đi mua sắm quần áo cho mình và người thân đã không đặt tiêu chí “bền” lên hàng đầu nữa, thay vào đó là “tính thời trang”. Chị Bảo Ngọc (TP.HCM) cho biết: Năm nào chị cũng mua cho mỗi người trong gia đình từ 2 – 3 bộ quần áo theo tiêu chí này và vẫn nhận được lời khen của mọi người là “biết cách diện”.

Không lựa chọn đẳng cấp

Chị Mai Hân - phó giám đốc của một Công ty TNHH về thời trang cho biết: Khi các mẫu mốt mới xuất hiện trên thị trường thì không chỉ các shop hàng hiệu, các cửa hàng thời trang cao cấp mới có để bán mà người ta có thể tìm mua được chúng ngay ở các cửa hàng bình dân.

Giờ, ngay cả giới sành “hàng hiệu” cũng vẫn thích sắm vài bộ đồ bình dân để thay đổi. Chị Bảo Ngọc (phóng viên báo Nông Thôn Mới) thích đi chọn đồ vào dịp cuối tuần. Dù trong tủ quần áo của chị đã có hàng chục bộ đồ sang trọng, đắt tiền nhưng chị vẫn đều đều kiếm cho mình những bộ đồ mới, lạ mắt, có thể mặc đi làm, mà giá cả lại rất dễ chấp nhận. Khi chị mặc những trang phục này, nhiều người vẫn lầm tưởng về xuất xứ của chúng.

“Chất liệu đồ bình dân thường thấp, không thể so sánh với chất liệu sản phẩm hàng hiệu nhưng xu hướng thời trang theo mùa, hợp thời khiến bây giờ ít ai sử dụng một kiểu mốt kéo dài từ năm này qua năm khác. Vì thế hàng bình dân vẫn được nhiều người tiêu dùng chuộng” – chị Hoàng Mai, chủ hiệu may Thời trang Tí đô, TP.HCM cho biết.

Rẻ là đúng!!!

Vợ chồng chị Lý chủ một cửa hàng ở chợ Tân Bình, TP.HCM, chuyên cung cấp hàng may sẵn cho các shop thời trang bình dân tiết lộ: Họ lấy nguồn vải từ chợ biên giới Tây Ninh, chọn những chất liệu giá rẻ (nhưng hợp thời trang, dễ thiết kế nhiều kiểu dáng), thuê thợ cắt, may (theo mẫu của mình) với giá công trung bình từ 2.500 – 3.500 đồng / chiếc áo hoặc quần. Các phụ liệu: Chỉ, nút áo, khoá, ren trang trí... cũng đều là loại có giá thấp nhất. Thế nên, giá thành bán ra của những bộ trang phục từ các “lò” này đương nhiên là... vô cùng cạnh tranh!

Công nghệ nhái “hàng hiệu”

Lặn lội lên biên giới Campuchia, Thái Lan để mua những mẫu quần áo mới nhất, hay chịu khó len lỏi vào các shop quần áo hàng hiệu tìm cách ăn cắp mẫu sản phẩm... đó là một trong những mánh làm ăn phổ biến của hầu hết các chủ cơ sở may đồ bình dân. Mỗi một cơ sở đều có riêng một người chuyên đi săn lùng mẫu mới nhất về... nhái theo.

Anh Dũng – chủ cửa hàng sản xuất quần áo đường Cộng Hòa cho biết: Trung bình cứ hai ngày một lần, anh lại đảo qua các shop nổi tiếng để “nghía” xem có mẫu mã nào mới ra rồi tìm cách vẽ qua lên giấy, mẫu nào khó, anh “đầu tư” mua hẳn một chiếc, rồi tháo ra cắt theo.

Còn cửa hàng kinh doanh thời trang trẻ em và người lớn của vợ chồng anh Phước (đường Cộng Hòam) thì luôn đông nghịt khách bởi mẫu mã ở đây luôn mới và được bán với giá khá rẻ. Cách làm của họ là lên mạng tìm mẫu thời trang mới rồi “nhái” theo – có mẫu được giữ nguyên, có mẫu được cách tân cho phù hợp thị trường.

Có thể nói, bí quyết của các nhà sản xuất thời trang bình dân là săn lùng mẫu thời thượng của các nhãn hiệu nổi tiếng rồi sao chép hoặc cách tân. Vì thế quần áo bình dân luôn song hành cùng đồ cao cấp. Chưa cần biết khi nào thì bị “sờ gáy”, chỉ cần nhãn tiền hiệu quả trong “thì hiện tại”, họ cứ “nhái”, cứ tung ra phục vụ các “thượng đế” và đương nhiên, thị trường cứ ê hề chủng loại...

Theo Thủy Anh, Thời trang trẻ

Hàng hiệu thời trang đổ bộ vào Việt Nam

Từ nhiều tháng nay, những ai có dịp đi ngang khu vực trước Nhà hát TP.HCM đều ấn tượng bởi bức tường mang hình một cô gái trẻ, tóc xoăn gợi cảm và nụ cười kiêu hãnh “khoe” chiếc túi xách khắc chữ Louis VuiTSn.

Hãng này đang ráo riết hoàn tất những công việc cuối cùng để khai trương một cửa hàng sang trọng ngay tại trung tâm thành phố, cùng lúc với CK - hãng thời trang danh tiếng của Mỹ cũng sẽ chính thức ra mắt vào trung tuần tháng năm này. Tuy nhiên, con đường chinh phục “túi tiền” người tiêu dùng VN của các hãng này được dự báo sẽ không đơn giản chút nào.

Thời trang Calvin Klein (CK) đến VN giữa lúc nhãn hàng Mango (Tây Ban Nha) đang gây cơn sốt nhè nhẹ trong giới trẻ. Một nhà thiết kế thời trang khá nổi tiếng của TP.HCM cho biết mặc dù ưu tiên diện “hàng nhà” nhưng chị cũng là một “fan” của Mango. “Tôi thích cách tiếp cận khách hàng trực tiếp của hãng này.

Họ thường xuyên nhắn cho tôi các tin tức kiểu như “Mango đang giảm giá một số mặt hàng” khiến cho tôi dù có bận rộn cỡ nào cũng sắp xếp chạy đến xem thử” - chị nói. Mango chủ yếu giới thiệu các bộ sưu tập thời trang nữ có thông số kỹ thuật khá phù hợp với vóc dáng người VN, thích hợp với mùa hè do màu sắc trang nhã, chất liệu vải nhẹ, mát.

“Đốt” tiền vì hàng hiệu

Để phân biệt hàng thật với hàng giả, ngoài yếu tố “tiền nào của đó”, có một vài điểm cần lưu ý đối với những người muốn mua hàng thật nhưng chẳng may bị nơi bán “luộc” hoặc tráo hàng. Chẳng hạn với quần jeans Levi’s thật kiểu cổ điển “đời 501” thì chỉ toàn cài nút, giá 1,2-2,5 triệu đồng/quần, không hề có dây kéo, khuy nút trên cùng có khắc rõ số 501, túi may hai đường chỉ chằng lên nhau. Còn dòng Redtap thường có dây kéo, bắt đầu bằng một loạt dãy số như 512 (lưng xệ), 523 (lưng xệ, ống suôn đứng ôm sát người), 525 (ống suôn xoay). Cao cấp hơn Redtap là Redlop, giá bán 2,2-3,5 triệu đồng/quần, mình vải dày nhưng mềm, màu rất đẹp. Bị giả nhiều nhất của Levi’s là “501”, thường được may toàn dây kéo và Redtap do kiểu dáng dễ bắt chước. Còn Redlop giả, mác gắn sau lưng quần có hình hai con ngựa kéo xe, sau vài nước giặt hình hai con ngựa sẽ... bay mất, trong khi hàng thật thì hình hai con ngựa được khắc chìm và không cách gì phai được.

Ngoài Mango, CK cũng sẽ cạnh tranh với hàng loạt nhãn hiệu nổi tiếng đang hiện diện tại hai trung tâm chuyên doanh hàng thời trang của TP.HCM là Parkson và Diamond Plaza. Điểm sơ qua có thể thấy những Ungaro, Timberland, Guess, Valentino Rydy, Guy Laroche, Alain Delon, Levi"s... Hầu hết đều là hàng chính hãng được sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong... Parkson được giới sành thời trang ưu ái hơn về độ tin cậy khi mua hàng so với Diamond.

Theo giới kinh doanh, khách đến Parkson thường để mua sắm thật sự, phần lớn là người nước ngoài, doanh nhân, công chức có thu nhập cao và giới trẻ con nhà giàu. Một nhân viên thu ngân ở đây cho biết cô đã từng tính một hóa đơn trị giá 28 triệu đồng cho một vị khách trung niên khoảng 40 tuổi nhân dịp nghỉ lễ vừa rồi. Gây ấn tượng mạnh nhất với cô là bộ vest của Louis Féraud trị giá 10 triệu đồng được ông khách “đưa tay lướt nhẹ lên cổ áo, vuốt một lượt suốt thân” trước khi quyết định mặc thử để mua.

Giá bán của hàng hiệu cao cấp thường không rẻ. Áo sơmi của Timberland sơ sơ khoảng... 1,2 triệu đồng/chiếc, áo thun trung bình 500.000 đồng/chiếc. Áo sơmi của Louis Féraud cũng không dưới 700.000 đồng/chiếc, quần tây trên 1,5 triệu đồng/chiếc, veston trên 8 triệu đồng/bộ. Hay như một chiếc quần jeans của Levi"s giá trung bình cũng đã trên 1,5 triệu đồng, có kiểu lên đến gần 2,5 triệu đồng/quần là giá rất bình thường đối với người chuyên dùng đồ hiệu. Áo thun Lacoste trên đường Đồng Khởi cũng xấp xỉ trên 1,6 triệu đồng/áo.

Một số thương hiệu khác như Giordano, Bossini hay Baleno có giá mềm hơn, áo thun các loại trung bình 300.000-400.000 đồng/áo, quần jeans 700.000-800.000 đồng/quần. Một thương hiệu nổi tiếng khác cũng đang được giới sành điệu “chấm” là United Color of BeneTSn, giá bán áo thun trung bình trên 400.000 đồng/áo, quần jeans trên 700.000 đồng/quần và cũng chỉ mới xuất hiện ở thành phố hơn một năm nay.

Những người “mê” đồ hiệu thứ thiệt đều có chung nhận xét: điểm khác biệt lớn nhất giữa đồ hiệu và đồ... không hiệu là kiểu dáng và chất liệu sản phẩm. “Cũng là quần jeans nhưng mình vải hàng jeans của Levi"s mềm và đứng quần, wash rất đúng điệu, dáng quần đúng chuẩn, mặc không chê vào đâu được” - P., làm việc ở Parkson, một người “nghiện Levi’s”, nói. Còn áo sơmi, 100 kiểu như một, nhưng “nếu đã thích Ungaro thì khó lòng chọn áo của thương hiệu khác khi chất liệu vải của Ungaro mặc vào rất mát, màu sắc lại hài hòa, đường may sắc sảo tinh tế, cảm giác rất tự tin, trông mình lịch lãm hẳn lên”, một doanh nhân nhận xét.

Đồ thun cũng vậy. Dù giá của một chiếc áo thun Lacoste không bao giờ dưới 1 triệu đồng/áo, nhưng những ai đã lỡ “mê” thương hiệu này cũng khó cầm lòng mỗi khi hãng này tung ra màu mới. Dáng áo trẻ trung, tôn vẻ đẹp của hình dáng người mặc, màu sắc tươi tắn mát mắt là các yếu tố chính để quí cô, quí bà lẫn quí ông nhất trí khi nói đến.

Tìm một “chỗ đứng”

Hang hieu thoi trang do bo vao Viet Nam
Cửa hàng hiệu Milano tại góc đường Đồng Khởi, Đông Du (TP.HCM)
Hàng hiệu tại VN không thiếu, nhưng giới mê hàng hiệu vẫn mong muốn các hãng thời trang có nhà phân phối chính thức tại VN. Bởi nếu không có nhà phân phối, hàng hiệu về VN thông qua những đợt nhập hàng lẻ mẻ hoặc bằng đường xách tay thường đã lỗi mốt, không theo kịp trào lưu thời trang trên thế giới.

CK cũng đã chọn được nhà phân phối của mình - Công ty cổ phần quốc tế C&T. Để lọt vào “mắt xanh” của CK, C&T phải đáp ứng một loạt điều kiện về kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh hàng thời trang, qui mô nhân sự, tiềm lực tài chính... Trước khi hợp tác với CK, C&T đã là nhà phân phối mỹ phẩm Lanéige (Hàn Quốc), nước hoa Lolita Lempicka (Pháp), quần áo thời trang Tony Wear (Mỹ), dòng sản phẩm làm nail chuyên nghiệp O.P.I (Mỹ)...

Tuy nhiên, một chuyên gia thời trang cho rằng cũng như các hãng hàng hiệu khác, trong thời gian đầu C&T sẽ gặp khó trong việc thu hút một lượng khách hàng đông và ổn định vì kinh doanh quần áo thời trang tại VN vẫn được xem là một nghề “mạo hiểm”.

Chị phân tích: “Thời trang là một sản phẩm nhạy cảm liên quan đến tâm sinh lý của người tiêu dùng. Chưa ai có thể đo lường được xu hướng thời trang tại VN là gì, thị hiếu của người tiêu dùng đối với thời trang theo mùa cũng chưa có gì rõ ràng. Ngoài ra, để làm người sành điệu không nhất thiết phải diện hàng hiệu mắc tiền. Một bộ quần áo vừa phải nhưng túi xách và đôi giày “xịn” sẽ tôn vẻ đẹp của chủ nhân lên rất nhiều” - chị nói.

Để giảm giá thành, các hãng thời gian đang chọn lựa nhiều phương thức hợp tác khác nhau với các đối tác VN khi gia nhập thị trường. Trước đó, Hãng Pierre Cardin đã nhượng quyền thương hiệu cho Công ty An Phước. Hãng Valentino Rudy cũng hợp tác theo cách này với Công ty TNHH Danti. Theo ông Đặng Ngọc Tình, giám đốc Danti, công ty đã làm đại lý cho Valentino Rudy từ năm 2001 trước khi được nhượng quyền sử dụng thương hiệu này năm 2005.

Với mức phí nhượng quyền trả hằng năm, Danti được quyền đặt hàng chính hãng may theo “gu” VN với nguyên liệu, màu sắc và thông số kỹ thuật phù hợp. “Với hợp đồng nhượng quyền, tôi được cả quyền lập công ty sản xuất, nhưng đến thời điểm này tôi chưa nghĩ đến chuyện đó vì để tổ chức sản xuất không phải đơn giản” - ông Tình nói. Hiện nay, Danti có bốn cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM bán sản phẩm quần tây, áo sơmi, veston... Valentino Rudy phục vụ chủ yếu giới doanh nhân, còn nghệ sĩ vẫn rất ít.

Giới khách du lịch lưu trú tại các khách sạn sang trọng trong thành phố cũng là một đối tượng mà các hãng hàng hiệu nhắm đến khi đặt chân vào thị trường VN. Sheraton là một trong những khách sạn năm sao có tổ chức hệ thống kinh doanh hàng hiệu lớn nhất. Ở đây tập trung nhiều nhãn hàng lớn như Milano, Dolce & Gabbana, Versace, Moschino, Roberto Cavalli, René Caovilla... Bà Đặng Tú Anh, phụ trách tiếp thị cửa hàng Milano, cho biết bà thuê địa điểm tại Sheraton để nhập túi xách, giày dép, quần áo... chính hãng về phục vụ đối tượng khách lưu trú, “khách VN cũng có nhưng không nhiều”.

Hang hieu thoi trang do bo vao Viet Nam
Chọn mua hàng nhái đồ hiệu tại Saigon Square
Để bảo vệ thương hiệu và hình ảnh CK tại VN, hãng này đã chính thức mời Công ty luật Baker & McKenzie (Mỹ) bảo vệ quyền lợi cho mình đối với các đơn vị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Baker & McKenzie sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để chống các vụ sản xuất và buôn bán hàng nhái, hàng giả CK. Trước khi CK chính thức xuất hiện, các điểm bày bán hàng CK không chính hãng trong thành phố cũng đã nhận được thông điệp phải “thanh lý” hàng ngay lập tức. Tuy nhiên, một chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ cho rằng việc chống hàng nhái, hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng tại VN vẫn sẽ là một cuộc chiến cam go.

Ngay giữa lòng TP.HCM, Saigon Square được biết đến như “điểm thu nhỏ của cả thế giới thời trang”. Ở đây có sự hiện diện của hầu hết nhãn hiệu nổi tiếng, tất nhiên chỉ là hàng nhái, hàng “copy” thương hiệu, từ túi xách, giày dép, mắt kính, đồng hồ cho đến quần áo. Các loại áo thun “cá sấu” (Lacoste), “tom-mỳ” (Tommy) và “con ngựa” (Ralp Lauren), Belano cùng một loạt áo sơmi có thương hiệu nổi tiếng khác như Gap, Versace, D&G... đều góp mặt. Còn quần jeans thì nhiều không kể xiết, từ các nhãn hiệu thông thường như Levi’s, Guess, CK, Gap cho đến thương hiệu “thứ dữ” như G-Star, Replay, Glamour, D&G... Giá bán của các loại áo thun tại đây dao động trong khoảng 50.000-150.000 đồng/áo, quần jeans 150.000-300.000 đồng/quần, áo sơmi 80.000-200.000 đồng/áo. Khác với thời gian đầu người bán thường nói mập mờ, lúc thì “hàng xách tay ở bển về”, khi thì nói hàng xuất khẩu bị lỗi nên dạt ra đây (!?), nay người bán nói thẳng là hàng “lên ở đây” (nếu là áo thun), “lấy từ Campuchia về” (nếu là hàng jeans) và mua từ Trung Quốc (chủ yếu ở tỉnh Quảng Đông do nơi này bán hàng nhái thương hiệu siêu rẻ).

TRẦN VŨ NGHI - NHƯ HẰNG thực hiện

Săn hàng hiệu giảm giá

Trước đây, để sở hữu một sản phẩm thời trang hàng hiệu phải mất từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. Nhưng hiện nay, nhờ những chương trình giảm giá thường xuyên từ nhà cung cấp, chỉ với vài trăm nghìn đồng, bạn có thể sở hữu bộ cánh hàng hiệu 100% đến từ những quốc gia nổi tiếng về thời trang như: Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh.

Dạo một vòng quanh các khu bán quần áo thời trang tại Trung tâm thương mại Parkson, Diamon Plaza, (TP HCM), nhiều shop đưa ra chương trình giảm giá khá lớn. Tại shop Elle, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp (ở Parkson), treo biển giảm giá 30-70% cho mặt hàng quần tây, áo thun, áo sơ mi, áo đầm với đủ màu sắc. Hàng của Elle thường đơn giản, ít phá cách nhưng tinh tế nên được nhiều người ưa thích, nhất là những người làm công việc văn phòng. Giá (đã giảm) khá mềm, khoảng 250.000 đồng, bạn có thể sở hữu một chiếc áo thun cotton hiệu Elle trẻ trung, mới 100%. Nếu không có chương trình sale off, giá chiếc áo này khoảng 700.000 đồng.

Cũng thuộc diện "big sale" tại Parkson là thương hiệu ICE của Tây Ban Nha, mức giảm 30-70%. Sản phẩm của ICE rất phong phú, từ quần tây, váy đầm các kiểu, áo sơ mi, áo vest... kiểu dáng nữ tính, chất liệu mềm mại, thiết kế độc đáo với nhiều mức giá linh hoạt. Đơn cử như quần jeans rêu đính chữ ICE ở túi, giá gốc 750.000 đồng/cái, giảm còn 225.000 đồng/cái; áo đầm vest thêu kết cườm màu đen hoặc trắng giá gốc 1,4 triệu đồng/cái giảm còn 560.000 đồng/cái; một số sản phẩm như quần tây nữ màu be, màu rêu giá chỉ còn 90.000 đồng/cái. Nhân viên của ICE cho biết, đợt giảm giá này kéo dài bởi đây là chương trình giảm giá những sản phẩm đã hết size. Vì vậy, khi ưng ý một sản phẩm nào đó, trước hết khách hàng nên xem kích cỡ, nếu vừa hãy lựa kiểu dáng, chất liệu...

Hàng hiệu giá "bèo" nhất có lẽ là những sản phẩm đến từ Malaysia mang thương hiệu Noir, màu sắc chủ đạo là đen, thiết kế khá đơn điệu nên sản phẩm của Noir giá gốc cũng khá mềm, trung bình khoảng 200.000-400.000 đồng/chiếc. Noir đang giảm giá 50% nên chỉ cần khoảng 100.000-200.000 đồng, bạn có thể sở hữu một sản phẩm của thương hiệu này.

Ăn theo hàng loạt các phim truyền hình, thời trang Hàn Quốc cũng đang "làm mưa làm gió" tại thị trường thời trang cao cấp trong nước. Những shop bán hàng thời trang Hàn Quốc tại Parkson, Diamon Plaza, Zen Plaza... thu hút rất đông giới trẻ mặc dù giá trên trời.

Tại shop Soup (ở Diamon Plaza), giá gốc dao động từ trên 1 triệu đến vài triệu đồng cho một chiếc áo kiểu hay một chân váy ngắn trẻ trung. Phải công nhận thời trang Hàn Quốc rất gần gũi với giới trẻ Việt Nam. Màu sắc, kiểu dáng đa dạng, thiết kế tinh xảo, độc đáo, rất điệu đàng và phù hợp với giới trẻ. Tại shop Soup, dù không trưng biển giảm giá nhưng cũng có một số sản phẩm hết size được bán với giá giảm. Nói giảm giá nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu được những sản phẩm này bởi giá giảm cũng còn khá cao so với thu nhập của hầu hết người dân tại TP HCM, khoảng từ 500.000 đến 1 triệu đồng/sản phẩm.

Hàng hiệu Noton (ở Diamon Plaza) cũng giảm 20-50% cho các sản phẩm áo sơ mi, áo thun nam nhưng giá chót cũng từ 500.000đồng/cái trở lên. Thương hiệu Suzuya của Nhật lại đưa ra chiêu thức mua 3 sản phẩm, được giảm 20%; mua 2 sản phẩm được giảm 10% trên hóa đơn. Nhưng do giá khá cao, có sản phẩm tới hàng triệu đồng/chiếc nên không phải ai cũng dư tiền để mua 2-3 cái một lúc.

Nhưng kỷ lục về "giá giảm vẫn trên trời" có lẽ phải kể đến thương hiệu thời trang Daks (ở Diamon Plaza) của Anh. Dasks nghiêng về các sản phẩm tạo phong cách lịch lãm, sang trọng cho cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, giá áo sơ mi, áo kiểu, áo thun nam, nữ của Dask rất cao, hầu hết trên 1 triệu đồng/sản phẩm. Dù giảm 50-70% cho tùy loại sản phẩm thì mức giá đã giảm vẫn làm nhiều "con nghiện mua sắm" phải chùn tay, lắc đầu. Một chiếc áo kiểu khá đơn điệu giá đã giảm 70% vẫn còn tới gần 1 triệu đồng.

Không chỉ ở các trung tâm thương mại, các shop trên các con đường thời trang ngay quận 1 như Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng... cũng trưng rất nhiều biển giảm giá với mức giảm khá cao và kéo dài quanh năm. Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp và thiếu một "nhạc trưởng" đứng ra liên kết, vẫn không thể có nổi một mùa giảm giá ấn tượng như Singapore, Thái Lan và một số nước trong khu vực đã và đang làm để thu hút khách du lịch.

(Theo Thanh Niên)

Hàng hiệu giả

Không ít người tiêu dùng vẫn thường đến các trung tâm thương mại (TTTM) sang trọng để mua hàng, dù biết rằng giá cao hơn bên ngoài không ít. Họ nghĩ rằng, những mặt hàng được bán ở đây là hàng chính hãng, hàng “hiệu”... Thực tế, lại hoàn toàn khác.

Chị Ngọc Mai (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết, chị mua đôi giày Adidas (hàng Việt Nam) trên đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) với giá 280.000 đồng. Thế nhưng, khi vào mua sắm ở D.P (quận 1), chị thấy đôi giày tương tự, thậm chí cùng size nhưng giá bán lên đến 630.000 đồng. Hỏi nhân viên bán hàng thì chị nhận được câu trả lời: “Hàng hiệu chính thống nhập từ nước ngoài nên giá cao là đúng rồi”.

Anh Tuấn (ngụ phường Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp) Không quen xài hàng hiệu nhưng muốn có cái đồng hồ loại tốt nên anh vào S.S (quận 1) mua một đồng hồ Saphia (xuất xứ Nhật Bản) giá 1,1 triệu đồng. Ba ngày sau, khi đi đo mắt ở một trung tâm mắt kiếng và đồng hồ thời trang có tiếng ở quận 3, anh phát hoảng vì chiếc đồng hồ y chang tại đây chỉ bán với giá 520.000 đồng.

Vừa bước vào cổng chính của Thuận Kiều Plaza (quận 5), rẽ về phía bên trái khoảng 10 mét, chúng tôi gặp ngay một gian hàng quần áo “hiệu” đang giảm giá 30-70%. Một chiếc quần jean có mác Guess sau khi giảm giá còn 1,2 triệu đồng, áo thun hiệu Italy giảm còn 900.000 đồng... Tuy nhiên, quan sát kỹ thì chiếc quần kiểu này bán đầy rẫy ngoài chợ Tân Bình, An Đông... với giá từ 190.000 đồng đến 260.000 đồng/cái. Điểm khác nhau giữa chiếc quần jean ở chợ là có mác Trung Quốc trong khi tại đây là mác Guess cắt xéo đính kèm trên lưng quần.

Tại Thương xá Tax, một đôi giày simili giả da có giá bán 370.000 đồng. Khi khách hỏi có giảm giá không thì nhân viên bán hàng trả lời: “Mấy chị mua làm quen đi, tụi em tính 350.000 đồng thôi!”. Trong khi đó ở khu vực bán giày dép ở chợ Tân Bình, mẫu giày tương tự đôi giày ở Thương xá Tax được bán với giá 140.000 đồng và hẹn 3 ngày quay lại lấy để chị thay đế nhựa giả gỗ như đôi giày thấy ở Thương xá Tax. Chị bán hàng khoe: “Mấy bà bán ở các TTTM cũng thường đặt hàng bọn chị làm. Mua bán thì chỉ có người mua nhầm chứ người bán làm sao mà nhầm được”.

Trong vai một người chuẩn bị mở shop giày dép và quần áo thời trang cao cấp ở Khu Công nghiệp Biên Hòa, PV Người Lao Động được anh Thảo, chủ sạp quần áo tại chợ An Đông (quận 5) hướng dẫn tận tình: “Chỉ cần em diễn tả được mẫu, em cần bao nhiêu cũng có, chậm nhất là 10 ngày sẽ giao hàng. Hàng “độc” thì cộng thêm vài chục phần trăm giá gốc hàng chợ”. Anh ví dụ: “Cái áo lụa satanh này giá 190.000 đồng, em muốn biến thành hàng hiệu thì cho anh thêm 90.000 đồng -95.000 đồng gọi là tiền mác, tiền công sáng chế...”.

Để làm bằng chứng, anh Thảo kéo khách vào quầy phía trong, đổ một túi nào nhãn mác, nút áo, khuy quần, dây khóa ngoại ra nền nhà cho xem.

Bà Triệu Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc TTTM Zen Plaza, cho rằng không phải tất cả hàng hóa ở các TTTM đều được kiểm soát về giá cả và chất lượng. Nhiều TTTM cho tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh nên chất lượng hàng hóa rất phức tạp.

Để chọn được hàng hiệu chính thống, bà Giang cho rằng người tiêu dùng nên mua sắm ở những nơi quen thuộc có uy tín lâu năm. Cẩn thận tham khảo giá cả ở nhiều nơi. Nếu đúng là hàng chính hiệu, nhập chính thức thì khi đến bất cứ một cửa hàng trực thuộc hay TTTM nào đi nữa, giá bán lẻ cũng không cách biệt nhau nhiều.

Bà Thu, người có hơn 10 năm kinh doanh giày dép ở chợ An Đông, là mối cung cấp hàng cho các quầy giày dép công sở như H.T, H.D..., cho hay giá giày dép bà bán thường 65.000-80.000 đồng/đôi. Các quầy bán lẻ thường đi chợ để tìm mẫu, ưng ý mẫu nào là đặt làm mẫu đó. Khi đặt hàng, họ thường yêu cầu gia công kỹ, sử dụng nguyên liệu tốt hơn và in nhãn hiệu của họ lên giày dép. Theo bà Thu, sau khi đổi nguyên liệu “xịn” hơn, giá bán chỉ tăng thêm khoảng 3.000-5.000 đồng/đôi. Cơ sở đặt hàng đem về bán với giá 150.000-200.000 đồng/đôi. Người tiêu dùng đến những nơi này mua hàng, yên tâm là mình mua hàng chính hãng có thương hiệu hẳn hoi, đâu biết rằng đó chỉ là hàng chợ được gia công, chỉnh sửa để biến thành hàng hiệu...

Chị Phương (nhà ở Gò Vấp) kể, mới đây chị đến cửa hàng giày dép của hãng giày V. khá nổi tiếng nằm trên đường Lý Chính Thắng (quận 3), chọn một đôi giày bít nữ giá 160.000 đồng. Do nghĩ mua giày tại cửa hàng của một hãng lớn thì phải là hàng của hãng giày này. Thế nhưng 2 ngày sau, khi đi chợ Tân Bình, chị phát hiện đôi giày chị mua là hàng của Trung Quốc được bán đầy ngoài chợ. Chị đến cửa hàng thắc mắc vì sao bán hàng Trung Quốc lại không thông báo cho khách? Nhân viên cửa hàng trả lời qua loa: “Chị không thấy tên thương hiệu trong lòng giày thì không phải là hàng của hãng. Khi mua chị có hỏi đâu mà kêu chúng tôi trả lời”.

Việt Báo

Cơn "say" hàng hiệu nhái

Con say hang hieu nhai
Khó phân biệt hàng thật, hàng nhái trong các cửa hiệu.

Một MC thú thật: "Cái quần Levi’s mình đang mặc chỉ 250.000 đồng. Thấy thích là mua thôi dù biết cái 501 này giá chót cũng 2 triệu đồng".

Những sản phẩm mang thương hiệu Louis Vuitton, Gucci... xuất hiện và chiếm lĩnh những trung tâm thương mại sang trọng nhất đang đẩy những tín đồ mê hàng hiệu vào cuộc đua không điểm dừng.

Khá nhiều bạn trẻ ngày càng mê mẩn với những món "hàng hiệu tính bằng tiền triệu" nhưng hầu bao không phải lúc nào cũng rủng rỉnh đang lao vào cơn say hàng hiệu nhái.

Bỏ ra hàng triệu đồng để mua túi xách, quần áo, giày dép... không còn là chuyện hiếm nhưng cũng chưa phải là chuyện phổ biến đối với thế hệ 8X-9X.

Cả khách và chủ đều hiểu ngầm những túi xách Louis Vuitton, Bonia, Longchamp... quần áo Levi’s, Lacoste, CK, Valentino, Versace, Guess, Armani... giày dép Clack, Gucci, Columbia... mà giá có vài trăm ngàn đồng chỉ có thể là hàng secondhand hoặc là hàng nhái.

Trước khi trở thành vương quốc hàng hiệu nhái ngay trung tâm TPHCM, Saigon Square cũng có thời gian bán hàng hiệu thật. Bà Đặng Thị Hoa bán vali, túi xách ở đây cho biết: "Ngày càng ít người mua nên chuyển sang bán hàng nhái".

Không chỉ nam thanh, nữ tú mà cả dân Tây, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... giờ cũng xem đây là nơi mua sắm hàng hiệu... lý tưởng! Nếu đi shopping vào cuối tuần cũng không khó gặp vài ca sĩ, diễn viên, MC... quen mặt.

Còn một chủ shop quá quen cười trừ: "Có hạ giá đến 90% cũng không ở nơi nào trên thế giới bán cái Levi’s 501 với giá 200.000 đồng, toàn bộ là hàng Việt Nam đấy, nhưng gắn mác Levi’s vào dù có vài lỗi nhỏ cũng bán ào ào".

Các chủ shop than thở: "Hàng hiệu thật giá gấp 5-10 lần hàng nhái mà thật ra có cái chỉ vì thương hiệu chứ chất liệu cũng một chín một mười nên phải kèm cho khách dễ lựa chọn".

Trong khi hàng hiệu thật bày bán tại Diamond, Parkson... phần lớn sản xuất tại Trung Quốc, hàng nhái nhập về từ nước này đều được dán nhãn "Made in Vietnam" hoặc "Made in Cambodia", cá biệt có nhiều món hàng gắn mác "Made in Peru" hay "Made in India".

Nhưng được chuộng hơn tất cả là hàng "Made in Vietnam" vì giá rẻ, dễ giải thích "gia công cho các tập đoàn lớn, công nhân lấy ra ngoài bán".

Từ năm 2004, Nike, Adidas, Clark... cương quyết dẹp hàng nhái tại TP HCM, hàng loạt shop bán hàng "gia công tại Việt Nam" đã chuyển sang bán hàng hiệu nhái của Trung Quốc với trình độ làm giả tinh vi.

Balô Samsonite cùng loại với giá 350.000 đồng tại một số shop “hàng hiệu” tiếng tăm tại quận 1, quận 3 nhưng tại Diamond lên tới gần 3 triệu đồng nhìn bề ngoài gần như anh em sinh đôi”.

Áo Lacoste "Made in Peru" giá chỉ 150.000 đồng phải giặt 2-3 lần mới có khác biệt lớn so với Lacoste bán ngoài Đồng Khởi trên 1,5 triệu đồng. Đồng hồ CK, Gucci, Longines... phải đi qua mùa mưa mới thấy thế nào là hàng dưới 5 triệu đồng và hàng vài ngàn USD. Riêng túi Louis Vuitton mà xách chạy xe máy chỉ tổ cho thiên hạ cười vì Louis Vuitton re rẻ cũng chẳng kém Piaggio là mấy.

Nhưng cơn say hàng hiệu... nhái làm cho không ít cô, cậu bất chấp tất cả. Họ có thể mặc quần trễ cạp để lộ underwear của Victoria’s Secret giá trên 100 USD, đeo Rolex giá chính hãng 20.000 USD một chiếc mà chỉ biết để khoe với bạn bè "tớ mua gần 10 vé đấy" hoặc vệnh mặt "cái Louis Vuitton này gửi mua bên Hong Kong 9 vé đấy nhé" cho dù Louis Vuitton ấy cùng kiểu đồng giá trên toàn thế giới là 6.570 USD...

Đặng Trung Anh, 26 tuổi, trưởng phòng PR một tập đoàn thực phẩm của Mỹ khẳng định: "Dân chơi hàng hiệu cũng có năm, bảy loại nhưng người say vì phong trào và đua đòi đang chiếm phần lớn. Lương gần 1.500 USD như tôi cũng chỉ dám mua quần áo, giày dép dưới 1 triệu đồng nếu không muốn thâm hụt thường xuyên".

Còn Dương Quỳnh Chi, 25 tuổi đang làm trợ lý giám đốc cho một hãng tàu biển Đài Loan cho rằng: "Xài hàng hiệu nếu biết chọn lọc cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm".

(Theo Tiền Phong)

Sành điệu, có bạc triệu, chơi ...hàng hiệu

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, ngày càng xuất hiện nhiều nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng từ khắp các nước trên thế giới, với những chiếc quần jeans, áo thun hiệu CK, Old Navy, Tommy, Bossini... trị giá hàng trăm đô la.

Tuy giá cả khá cao, nhưng người ta vẫn đua nhau xài hàng hiệu.

Xài “hàng hiệu”... khẳng định đẳng cấp

Chị Hà, nhân viên marketing cho một tập đoàn lớn ở nước ngoài. Cũng thường “khẳng định mình” bằng những bộ quần áo hiệu. Đôi giày Tennis chị mang giá trị vài triệu đồng.

Chị Hà cho biết: “Mỗi tháng mình sắm một món, chứ chơi hàng hiệu mà mua một lúc mấy bộ áo quần, mấy đôi giày thì chịu sao nổi”. Tầng lớp “chơi” đồ hiệu như chị Hà thu nhập hàng tháng chí ít cũng phải kiếm vài chục triệu mới dám đụng đến.

Ngoài những đối tượng là thanh niên trẻ lắm tiền, thì dân kinh doanh, giao tiếp nhiều đang là thị trường mà những sản phẩm hàng hiệu nhắm đến. Anh G là một doanh nghiệp trẻ, nhà ở quận 3, TP.HCM, cũng là một “đệ tử” trung thành của hàng hiệu. Mỗi chiếc áo thun của anh G mặc, bằng cả một tháng lương anh trả cho nhân viên. Vài tháng, anh lại đổi một chiếc điện thoại, không mốt điện thoại cao cấp nào có mặt ở thị trường mà anh chưa xài qua. Chiếc đồng hồ anh đeo tay hiệu Rolex của anh cũng đáng giá cả ngàn đô la. Anh G giải thích: “Môi trường làm việc của mình đòi hỏi như thế, thường xuyên ngoại giao, thương lượng với những khách hàng lớn, ăn mặc lùi xùi làm sao coi được”.

Hàng hiệu Việt Nam tăng tốc

Sanh dieu co bac trieu choi hang hieu

Không phải chỉ có hàng hiệu nước ngoài mà các mặt hàng có tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trong nước như Việt Thy, Nino Max, PT2000, Nguyễn Long, Tofy... cùng với những nhãn hiệu nổi tiếng của các nhà thiết kế Minh Hạnh, Kiều Việt Liên, Thuận Việt... bày bán rộng khắp các siêu thị lớn các cửa hàng thời trang cao cấp, chen mình, sánh bước cùng những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Lacoste, Mochino, Valentino...

Thời trang trong nước tuy thu hút được nhiều người tiêu dùng, nhưng so với những nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế, thì sức mua vẫn còn hạn chế, dù giá cả có rẻ hơn rất nhiều. Bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, các nhà thiết kế tên tuổi trong nước đã bắt đầu chú đến các đối tượng sử dụng hàng hiệu và nhắm đến từng độ tuổi, tính chất từng công việc, để cho ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.

Các nhãn hiệu tên tuổi của Việt Nam như Việt Thy, Nino Max, PT2000... đang hướng tới giới trẻ sành điệu, thích những cái mới, “độc” và thoải mái. Chất liệu sử dụng trên các nhãn hiệu này chủ yếu là thun, bố, cotton, voan, phi... rất nhẹ nhàng, mềm mại. Trong khi đó, đối tượng của các hãng thời trang như: Việt Tiến, Pierre, An Phước lại là các doanh nhân trẻ thành đạt. Họ thích sử dụng những mặt hàng trang nhã lịch sự.

Đối tượng nào cần “hàng hiệu”?

Theo chị Thủy, chủ một cửa hàng chuyên bán áo quần hiệu cho biết: “gần đây, đối tượng chơi hàng hiệu không chỉ những cậu ấm, cô chiêu thích chơi nổi mới tìm đến, mà nhiều bạn trẻ là học sinh trung học, sinh viên và là nhân viên có thu nhập cao cũng có xu hướng thích xài hàng hiệu”.

Chị Trang, 27 tuổi là nữ doanh nghiệp trẻ của một công ty đang trong thời kỳ làm ăn phát đạt. Trang phải thường xuyên gặp gỡ, giao tiếp với những đối tác nước ngoài nên cần có một vẻ bề ngoài tươm tất. Ngoài trang phục, giày dép, túi xách, mỹ phẩm mà Trang sử dụng cũng toàn hàng hiệu.

Anh Huy, giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường, cũng là một dân nghiền sưu tầm hàng hiệu cho biết: “Đối tượng xài hàng hiệu thường là những người dư giả; nhu cầu gặp gỡ, quan hệ ngoại giao xã hội thường xuyên. Nhưng dù là hàng hiệu đắt tiền thì cũng nên có sự chọn lựa. Tôi thấy nhiều cô gái trên đường mặc những bộ quần áo hiệu đắt tiền nhưng lại lố lăng chẳng giống ai”.

Theo Mỹ Thuật

Săn” hàng hiệu, giá cực “bèo”

Hiện, dân chơi "sành điệu" lại đang có một cái thú mới là “săn” hàng hiệu ngoại “Made in Viet Nam” giá cực “bèo”.
San hang hieu gia cuc beo
Vào buổi chiều mát trời, cô bạn dắt tôi tới chợ phố Saigon Square. Mới qua vài sạp đầu tiên, chúng tôi đã nhận ra ngay những kiểu quần áo khá quen thuộc. Nhưng rõ ràng các mặt hàng ở đây đã được chăm chút kỹ lưỡng, thậm chí được đóng bao ni lông cẩn thận, sáng sủa. Thấy tôi săm soi mãi cái áo với bộ mặt có vẻ “lơ ngơ”, cô chủ “bốc” ngay: “Đây là hàng Hồng Kông, chỉ có một cái độc nhất”. Nhưng cũng cái áo giống như vậy, ở một sạp khác thì bà chủ lại giải thích là “hàng hiệu nước ngoài được gia công sản xuất tại Việt Nam". Cô bạn bảo, hồi mới bắt đầu mua sắm ở đây cô cũng đã trả giá khá đắt cho những "bài học vỡ lòng” này.

Tuy vậy, nhiều chủ hàng vẫn tự tin khi giới thiệu với khách rằng thực chất các “sản phẩm" của mình là hàng thanh lý. Minh, nhân viên bưu điện gần đó, cho biết dân sành chơi hàng ở Saigon Square ai cũng biết đây là hàng thanh lý của các công ty may xuất khẩu trong nước. Hầu hết là hàng xuất khẩu hoặc may gia công cho một số nhãn hiệu thời trang các nước nên mẫu mã nhiều khi rất “độc”, có một "gu” riêng biệt mà chất liệu lại thường rất đẹp và tốt. Biết chơi nên chẳng ai ngại ngần gì khi giới thiệu thực chất “gốc gác” của nó.

Là giám đốc bộ phận của một công ty nước ngoài khá tên tuổi nhưng Chim Chích - biệt danh do một cô chuyên bán hàng "quá khổ" cho nhiều người nước ngoài "tặng" cho - vẫn xem Saigon Square là nơi lựa chọn quần áo lý tưởng nhất, bởi giá khá rẻ mà lại ít "đụng" hàng. Sành gu hàng ở đây đến nỗi đến bất kỳ quán xá sang trọng nào, Chim Chích thấy các bà, các cô diện đồ của chợ thời trang Saigon Square là nói vanh vách cho nhóm bạn cô... tham khảo.

Cũng từ vài năm nay, Saigon Square cũng trở thành một địa điểm "săn hàng" rẻ đối với nhiều khách nước ngoài. Bà chủ một sạp hàng tên Mai nói: "Dân Tây đến đây thường mua áo thun, sơmi, song mua nhiều nhất là hàng cho trẻ con, bởi giá cực rẻ và có nhiều nhãn hiệu quen thuộc với họ như Baby Crew, Cireo, Limited Too, Partner... được gia công sản xuất tại Việt Nam". Một bà chủ sạp khác thì chuyên sưu tầm những lô hàng “quá khổ” để bán cho "Tây". Đây là những loại hàng chuyên xuất khẩu đi "Tây", size dành cho dân Tây nên “quá khổ với dân Việt Nam, vì vậy bỗng dưng trở thành hàng hiếm với dân "Tây" chuyên đi chợ này.

Không chỉ vậy, nhiều chủ shop còn tìm được những mối lái nhỏ chuyên săn hàng đẹp đem về châu Âu và Mỹ để bán lẻ. Do cạnh tranh để giữ khách và thường lại chỉ có một nguồn hàng giống nhau, nên các chủ sạp ở đây rất chịu khó “săn” hàng. Gặp được mẫu ưng ý, chỉ cần thỏa thuận được giá cả là họ "OK" ngay. May mắn nhất là khi ôm được trọn gói một lô hàng khi đó, hàng của shop họ trở thành hàng “độc”, không đụng với các shop khác, khó lo bị cạnh tranh. Giá những cái áo “sạp nào cũng có” thường chỉ 30.000 - 35.000 đồng, nhưng nếu đã là hàng "độc quyền" thì tăng vèo lên 60.000 - 70.000 đồng thậm chí cả trăm ngàn đồng. Những lúc đó, dù là khách quen mấy đi nữa, bà chủ sạp vẫn... điềm tĩnh để khách hàng ra đi vì biết chắc họ đi đã một vòng, dù có "đau bụng” cách mấy cũng phải ôm hầu bao quay trở lại.

Siêng năng hơn mấy cô bạn trên, N.A lại chịu khó đi lùng hàng từ bến gốc. Nằm trong “chăn" một thời gian, N.A mới phát hiện những mối hàng gốc của mấy bà chủ hàng thân thiết ngoài Saigon Square hầu hết nằm ở trước... cổng một số xí nghiệp chuyên may hàng xuất khẩu. Theo đó, dân chịu khó lùng hàng tận gốc thường quen thuộc với những địa chỉ trước Công ty May thêu xuất khẩu Tân Bình ở đường Trương Công Định, Xí nghiệp May 1 của Công ty Nam Tiền trên đường Phạm Phú Thứ (Tân Bình) hoặc cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần May... xuất khẩu 30-4 trên đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận).

Ở Tân Bình, khách hàng cũng quen vài sạp cửa hàng chuyên bán hàng thanh lý khu vực gần chợ Tân Bình hoặc một cửa hàng khác trên đường Trường Chinh, góc Hoàng Hoa Thám... Nguồn hàng ở những cửa hàng này thường là các lô hàng để xuất khẩu nhưng bị một vài lỗi nhỏ nào đó hoặc có khi do bị tồn, ứ, không đủ size, được các xí nghiệp “cắt mạc” (có khi không, thanh lý với giá khá rẻ... Thế nhưng, theo một số người sành điệu thì nhiều lúc hàng cũng mới mà không có lỗi. Gặp được những loại quần áo đó, người bán lẫn người mua đều khoái.

Ở các con đường Trương Công Định, Phạm Phú Thứ... các chủ hàng thường không có thời gian để "trưng bày sản phẩm" như đúng tên gọi của cửa hàng. Chỉ vài cái được treo lèo tèo trên mắc cho có “tụ” còn hầu hết quần được đổ về thành đống cao ngất ngưởng. Chật chội, nóng bức cách mấy, người mua cũng không quan tâm, chạy qua lại, thấy có hàng mới về là họ tạt vào, dựng xe trước cửa, đổ xô vô bới, lựa.

N.A tâm niệm rằng, "muốn xài hàng hiệu giá bèo phải chịu khó". Đó là chịu bỏ thời gian tới lui canh hàng về, nhiều lúc gặp được những lô hàng đẹp, ít đề-phô, người mua dễ dàng vớ được những cái áo hiệu South Pole, Polo... hẳn hòi, nhưng giá cũng chỉ có 20.000 - 30.000 đồng. Thậm chí moi được những món hàng đẹp đã qua đợt nằm sâu dưới dáy, thì bà chủ Thu ở cửa hàng Trương Công Định cũng vui vẻ cho giá một cái áo thun người lớn cỡ 15.000 đồng, đồ trẻ con giá 10.000 đồng... Cô kể, có hôm vớ được hàng đẹp mà rẻ nên cô cứ mua để dành đó chờ dịp tặng bạn bè. Có cái cô khoe giá đến vài trăm ngàn đồng mà mấy người bạn vẫn cứ tin "sái cổ".

Theo DNSGCT

Hàng "hiệu" trong nước đăng quang

Hàng "hiệu" trong nước: chất lượng cao, giá rẻ.

Chưa bao giờ thị trường hàng may mặc nội địa lại có nhiều nhãn hiệu Việt Nam như hiện nay. Uy tín của hàng may mặc cao cấp (hàng hiệu) trong nước đã được khẳng định qua nhiều thương hiệu như Jean, Maxx, Nino, Sanding, Legafashion...

Trước đây, vì xu hướng "sính ngoại" mà người tiêu dùng phải moi hầu bao trang trải cho những món hàng ngoại nhập. Ngày nay, mối quan tâm hàng đầu của họ lại là chất lượng sản phẩm. Không chỉ đáp ứng được yêu cầu đó, hàng hiệu Việt Nam đã có nhiều thay đổi về kiểu dáng và giá thành cũng rẻ hơn nhiều so với hàng ngoại nhập. Vì vậy, khách hàng đã bắt đầu hài lòng và quen thuộc với các thương hiệu trong nước.

Có nhiều khung giá khác nhau trong cùng một nhãn hiệu cũng là một điểm hấp dẫn nhiều đối tượng khách hàng. Chẳng hạn, tùy thuộc vào chất lượng vải mà một chiếc áo thun Nino được bán với giá 60.000-240.000 đồng, quần jean 190.000-230.000 đồng, áo thun B&O 50.000-180.000 đồng... Một số thương hiệu đắt hơn một chút như Pierre Cardin (170.000-500.000 đồng/áo sơ mi), An Phước (169.000 đồng/áo sơ mi)... Tuy nhiên, các cơ sở này cũng thường giảm giá cho khách quen hay áp dụng những hình thức khuyến mãi hấp dẫn khác.

Một "chiến thuật" mà các nhà sản xuất hàng dệt may cao cấp trong nước đều áp dụng là: Không bày bán quá nhiều cùng một mẫu hàng. Ngay cả những mẫu bán chạy, cũng chỉ tung ra thị trường một số lượng nhất định. Điều này tạo sự yên tâm cho những người chuyên "chơi" hàng "hiệu", vốn chỉ muốn dùng đồ "độc". Ngoài ra, nếu gặp phải một sản phẩm có khiếm khuyết, khách hàng có thể khiếu nại và yêu cầu đổi lại.

Hiện nay, các nhà sản xuất đã sẵn sàng cho mùa mua sắm cuối năm.

Legamex: Có 5 nhóm mặt hàng chính như quần áo thời trang, sơ mi, jacket, quần áo lót, giày thể thao. Ngoài ra, còn có giày cho người lớn tuổi đi bộ, túi xách, vải cotton, vải co dãn... Giá trung bình: Một chiếc váy 80.000 đồng, quần trên dưới 110.000 đồng...

Dệt may Gia Định (Gidini): Chuyên về thời trang may sẵn cho trẻ em và người lớn như trang phục đi làm, thể thao, đồ ngủ... đặc biệt là trang phục thun cotton cho trẻ nhỏ, giá chỉ 10.000-15.000 đồng/sản phẩm. Mặt hàng vải của công ty có trên 40 mẫu mã, giá trung bình 8.000 đồng/m.

Dệt Thái Tuấn, Dệt Thành Công: Khá phong phú về mặt hàng vải thổ cẩm, vải in họa tiết cách điệu trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn... giá khoảng 48.000 đồng/m khổ 1,6 m.

Garmex Sài Gòn (Saga): Có nhiều chủng loại hàng như áo sơ mi (nam, nữ), quần jean, quần kaki, đồ thun thể thao, short nữ... Đặc biệt sơ mi chất liệu 100% cotton giá khoảng 50.000 đồng/áo.

(Theo Thị Trường)

Hàng hiệu "made in China"

Ngược hẳn với giới trẻ thích xài đồ hiệu theo kiểu phô trương, những doanh nhân thành đạt lại ưa chuộng những thương hiệu thời trang kín đáo hơn. Họ không còn mặc những chiếc áo có chữ D&G to tướng mà là những chiếc áo sơ mi chỉ có dòng thương hiệu rất nhỏ trong cổ áo. Nhưng không phải chiếc áo gắn mác hàng hiệu nào cũng là hàng xịn. Nhiều người đã bỏ ra hàng triệu đồng mua, rồi mới ngã ngửa vì "ăn quả lừa"

Các bộ veston là trang phục thường được các doanh nhân, trí thức thành đạt lựa chọn hàng đầu. Hiện nay có thương hiệu thời trang số một thế giới Gianfranco Ferré đang được ưa chuộng vì dáng cắt ôm, gọn, mang lại sự năng động cho người sử dụng. Ngoài quần áo thì Gianfranco Ferré còn thiết kế cả giày, thắt lưng, túi xách da, cặp tài liệu dành riêng cho giới doanh nhân.

Túi xách mang thương hiệu Louis Vuitton.

Túi xách mang thương hiệu Louis Vuitton.

Giá trung bình một bộ veston của hãng này lên tới hơn 1.000 USD. Dòng hàng cổ điển hơn là Versace với dòng hàng veston mới dành cho nam có dáng ôm hơn, gọn hơn chứ không còn những bộ veston dáng mạnh, vai rộng dáng thùng thình như những năm cuối thập kỷ 90. Để sở hữu một bộ veston Versace sẽ phải chi 1.500-2.000 USD.

Một thương hiệu lớn mới xuất hiện ở VN cũng rất được giới doanh nhân, trí thức thành đạt yêu thích, là thương hiệu Kiton của Italy. Trang phục của Kiton rất độc đáo, kín đáo và nhẹ nhàng nên thường được các nguyên thủ quốc gia, các vị vua chúa, hoàng tử trong các hoàng gia mặc. Giá trị của những bộ đồ này có khi lên tới hơn 1 triệu USD.

Hoàng Anh (Trung tâm thời trang hàng hiệu, số 1 Đào Duy Anh) nhận xét: "Thời trang trong giới doanh nhân đang có xu hướng đi vào sự kín đáo hơn. Thậm chí có những chiếc áo mà chỉ những người trong giới xài đồ hiệu với nhau mới biết đó là hàng đắt tiền. Hãng Kiton có chữ được thêu rất nhỏ trên đai quần hoặc trong áo mà bên ngoài không thể nhìn thấy được. Chỉ những người trong giới xài hàng hiệu nhìn vào đường kẻ, đường may mới biết đó là hàng Kiton. Hãng Gianfranco Ferré thì chỉ có chữ G và chữ F lồng vào nhau rất nhỏ".

Giá trị thực của dòng hàng kín đáo đắt hơn nhiều lần so với dòng hàng hiệu phô trương. Một chiếc áo bình thường của D&G chỉ khoảng 300 USD nhưng áo sơ mi của Kiton thì lên tới 1.000 USD.

Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên chuyên bán hàng hiệu trên phố Hàng Bông, cho biết: "Hàng hiệu càng đắt tiền thì càng ít có hoặc không có logo trưng khoe khoang ra ngoài. Những người dùng hàng hiệu lâu năm thì họ không còn dùng hàng trưng logo nữa mà đi vào dòng kín đáo hơn. Còn những người mới dùng hàng hiệu thích thể hiện rằng mình đang mặc chiếc áo hàng hiệu đấy, thì họ dùng hàng có logo trưng ra ngoài".

Ngoài số ít đại lý độc quyền của một số thương hiệu thời trang nổi tiếng thì phần lớn hàng hiệu trưng bày ở ta hiện nay, dù gắn mác gì thì điểm xuất phát vẫn là "made in China". Một trong những hàng hiệu nhái thường gặp nhất là kính mắt. Dù các tập đoàn kính mắt nổi tiếng như Safilo, Marcolin hay Chartman (Nhật) đã buộc các nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tem chống hàng giả, thẻ bảo đảm chính hãng... nhưng vẫn khó mà sở hữu được chiếc kính hàng hiệu, dù đã chi tới 5 triệu đồng.

Một người bạn buôn hàng hiệu cho biết, hàng hiệu có giá trên trời là bởi mỗi kiểu dáng được sản xuất với số lượng rất ít. Còn nếu một dáng áo gắn mác hàng hiệu mà có quá nhiều size giống nhau thì đích thị là "made in China".

Bà Phạm Mai ở phố Ngô Quyền, kinh doanh hàng hiệu cho biết: "Ngoài các đại lý chính hãng thì hàng hiệu ở các shop lẻ được nhập từ rất nhiều nguồn, cả hàng xịn lẫn hàng nhái. Hàng "xịn" nhất được các cửa hàng săn lùng là của "Tây ngắn ngày". Họ đến Việt Nam trong thời gian ngắn để công tác, khi về thường "quên" mang theo quần áo về nước. Dựa vào các mối quan hệ với khách sạn, các chủ cửa hàng "thu mua" lại. Tuy là hàng "second hand" nhưng lại là xịn 100%, chỉ cần mông má một chút là trở thành "hàng độc" được bán với giá cắt cổ".

Một siêu sao hàng hiệu có nhiều kinh nghiệm trong việc lùng hàng kiểu này cho rằng, nhiều khi tìm kiếm mỏi mắt ở các cửa hiệu xịn chẳng được món đồ ưng ý, loạng quạng ra hàng sida lại tóm được. Lắm lúc chị diện đủ bộ theo kiểu trên hàng hiệu - dưới hàng thùng, nhưng trông vẫn sành điệu ra phết.

Nguồn thứ hai là "hàng tẩy". Hàng này thực chất cũng là hàng Tây xịn nhưng không phải là hàng hiệu. Chúng được mua từ nước ngoài trong những mùa giảm giá, thanh lý. Đây chính là thời điểm để các cửa hàng thi nhau nhập về. Khuy, cúc toàn gắn mác của những thương hiệu nổi tiếng, lại chỉ nhận thanh toán bằng USD, hoặc quy đổi theo giá ngân hàng nên ai cũng nghĩ mình sở hữu được món đồ hàng hiệu. Mua về dùng chán rồi mới té ngửa, mã vạch là của Trung Quốc.

Sở hữu một chiếc túi hay ví hiệu Louis Vuitton được coi là biểu tượng của sành điệu, người người đua nhau sắm túi tông nâu trầm với những chữ L&V cách điệu, có cảm giác ra đường là thấy Louis Vuitton. Lắm cô, lắm chị áo phao lùng nhùng cũng xách một chiếc L&V thanh cảnh vốn chỉ hợp với những bộ vest nhẹ nhàng.

Hàng xóm của tôi - một fan hàng hiệu đã có cả tá túi xách 7 màu cơ bản cho riêng mỗi bộ trang phục, cũng đôn đáo lùng một cái cho bằng chị bằng em.

Còn Trang - tiểu thư đất Cảng thì cũng thường xuyên đi lùng hàng xịn, có lần lượn mấy buổi mới tìm được cái áo như ý với 2 chữ C móc nhau (ký hiệu của hãng thời trang Coco Chanel). Cô bé bán hàng mặc váy ngắn nửa đùi thề sống thề chết: "Đây là chiếc duy nhất, chị có đi khắp VN cũng không tìm được cái như này đâu". Thế là rút ví 3 triệu. Tuần sau, qua cửa hàng đó thấy manơcanh mặc chiếc áo giống hệt chiếc cô đã mua.

Lần khác cô nàng lùng được một cái áo khoác nhẹ của Versace, có 5 triệu thôi. Một tuần sau cô bạn chuyên chạy hàng Tàu cũng thửa về một chiếc sinh đôi với nó giá 700 nghìn. Săm soi chán, không ai có thể phát hiện được giữa hai chiếc áo. Cũng theo cô nàng buôn hàng, ở Quảng Châu (Trung Quốc) có một khu "hàng nhái cao cấp", nhận đặt làm theo yêu cầu những y phục, phụ kiện y chang mẫu mã chính hiệu bên trời Tây và tất nhiên, không có nửa chữ Trung Quốc.

"Hàng hiệu đặt ở đây rất hợp gu mình - nếu hàng xịn của nước ngoài thường dành cho khổ người của Tây, ít size cho dáng người châu Á mảnh mai. Nếu hàng "đặt" thì sẽ đúng chuẩn: size châu Á, mẫu mã của Tây. Đặc biệt hơn, với mỗi mẫu, khách chỉ có thể đặt làm nhái vài cái - hàng hiệu mà, cũng là để giữ uy tín cho người nhập hàng", cô nàng buôn hàng Trung Quốc kể.

(Theo Gia Đình Xã Hội)

Nhiều shop quần áo cao cấp bị nghi bán hàng giả

Sáng 15/10, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với công an tiến hành kiểm tra các shop thời trang cao cấp trên địa bàn, thu giữ nhiều loại quần áo nhãn mác nước ngoài bị nghi ngờ vi phạm sở hữu trí tuệ, làm giả...

Có khoảng 10 shop thời trang, mỹ phẩm tại các phố Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Chả Cá, Bạch Mai…được lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra vào cùng một thời điểm để tránh việc cất giấu và tháo chạy.

Nhieu shop quan ao cao cap bi nghi ban hang gia
Kiểm tra và thu giữ tang vật tại cửa hàng 42A Hai Bà Trưng

Tại các địa điểm này, cơ quan chức năng đã lập biên bản kiểm tra và thu giữ nhiều mặt hàng quần áo có nhãn mác nước ngoài, đặc biệt là “hàng hiệu” Lascote (Pháp), chủ cửa hàng không xuất trình đủ giấy tờ nhập khẩu. Cụ thể, thu giữ 44 áo giả nhãn hiệu Lascote ở cửa hàng 12 Hàng Đào; 12 áo, 6 quần ở cửa hàng 42 A Hai Bà Trưng...

Nhiều khả năng, đây là hàng giả, xuất xứ Trung Quốc chứ không phải hàng nhập khẩu từ Pháp.

Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

LT

Chợ hàng hiệu "nhái" ở TP HCM

Khác với các chợ hàng “nhái” nổi tiếng ở Hong Kong hay Bangkok vốn chỉ hoạt động vào buổi tối đến 2h sáng hôm sau, chợ hàng “nhái” ở TP HCM mở cửa từ 11h đến 19h mỗi ngày. Quần áo, mũ nón cho tới kính, đồng hồ... loại nào cũng có và người mua thì lúc nào cũng tấp nập.

Chợ nằm giữa trung tâm quận 1, TP HCM, trong khuôn viên của Sài Gòn Square. Tại đây tập trung khoảng gần 200 gian hàng, bày bán đủ loại hàng hóa như quần áo, túi xách, giày dép, mũ nón... Đối tượng mê hàng hiệu “nhái” ở chợ này thường là giới nữ làm việc tại các công sở, chính vì vậy chỉ sau 11h, chợ đã tấp nập người mua kẻ bán.

Mặt hàng bày bán nhiều nhất vẫn là các loại quần jean và áo thun nam, nữ, trong đó đáng chú ý là 2 nhãn hiệu quần jean Levi’s và CK. Đa số đều là hàng “nhái” của VN nhưng may bằng chất liệu vải cao cấp hơn các loại quần bán ở chợ. Áo thun nam và nữ có đến hàng chục loại của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Gap, Nautica, Polo, La Coste... với giá chỉ khoảng 40.000-80.000 đồng/cái.

Quần áo thể thao cũng là thế mạnh của chợ này. Có thể tìm thấy ở đây nhiều nhãn hiệu quần áo thể thao của Head, Adidas, Nike, Puma... phục vụ cho nhiều môn thể thao như bơi lội, bóng đá, cầu lông, đi bộ, nhiều nhất là các loại trang phục dành cho người chơi quần vợt. Giá quần áo thể thao khoảng 130.000 đồng/bộ.

Ngoài ưu điểm đa dạng sản phẩm, chủng loại, chợ này còn luôn có hàng mới. Chị Nguyễn Ngọc Nga, một khách ruột của chợ, nhận xét: “Chỉ cần một tuần không dạo qua chợ, khi trở lại đã thấy vô số hàng mới. Biết là hàng “nhái” nhưng tôi vẫn thích mua vì giá vừa với túi tiền, dễ mua do nói thách không nhiều, chỉ khoảng 10.000-20.000 đồng mỗi món”.

So với các loại mặt hàng khác thì túi xách là sản phẩm được “nhái” công phu và đẹp nhất. Chẳng hạn, túi xách “nhái” hiệu Louis Vuitton được lên như thật (vải may túi cũng in hình nhãn hiệu như túi thật với những móc khóa rất đẹp, chỉ khác là túi thật bằng da, còn túi “nhái” thường chỉ được may bằng simili loại tốt). Tại đây khách có thể tìm mua các loại ví dành cho nữ cùng nhãn hiệu của túi xách như Danker, Gucci, Chanel... với giá chỉ khoảng 50.000-70.000 đồng/ví, 120.000-250.000 đồng/túi xách.

Đồng hồ có đến hàng trăm loại khác nhau. Giới nữ thường sưu tầm những kiểu đồng hồ “nhái” các thương hiệu thời trang như DKNY, Guess, Tommy... có mẫu mã rất điệu (một đồng hồ có thể thay được 7 mặt khác nhau với 7 màu để đeo 7 ngày trong tuần). Đồng hồ dành cho nam thường mang hiệu Citizen, Omega, Rado... với đầy đủ các mẫu dây sắt và da, mặt đồng hồ phản quang với lớp kính bằng saphia. Đồng hồ dành cho trẻ em chủ yếu là “nhái” mẫu của Swatch với nhiều màu sắc vui mắt. Giá chỉ 70.000-150.000 đồng/cái.

Kính mắt thường là hàng “nhái” nhập về từ Thái Lan hoặc Trung Quốc với đủ các nhãn hiệu như Chanel, Christian Dior, Vogue, Rayban... giá chỉ khoảng 100.000-130.000 đồng.

Sự đa dạng về chủng loại hàng hóa khiến chợ này trở thành một trong những điểm mua sắm không chỉ của khách trong nước mà nhiều du khách nước ngoài (nhất là Nhật, Hàn Quốc, Nga...) cũng tìm đến.

Dù đều là hàng hiệu “nhái” nhưng chất lượng và giá cả có nhiều cấp độ. Một túi xách “nhái” hiệu Gucci nhập từ Hong Kong giá bán phải trên 200.000 đồng, cũng nhãn hiệu và mẫu mã tương tự song là hàng “bên hông Chợ Lớn” giá chỉ bằng một nửa. Tương tự, cùng áo thun cá sấu nhái hiệu La Coste đều là hàng nội nhưng hàng loại 1 (chất lượng thun dày hơn, cổ cứng hơn và kích cỡ chuẩn hơn) có giá 70.000-80.000 đồng/áo, trong khi hàng loại 2, loại 3 giá chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng.

Chiếm một phần không nhỏ tại Sài Gòn Square là hàng xuất khẩu do một số đơn vị may mặc gia công cho các hãng thời trang quốc tế nhưng bị lỗi nên tuồn ra bán. Giá cả các loại trang phục này không đắt: quần kaki 55.000-70.000 đồng, các loại áo 30.000-70.000 đồng, áo đầm 130.000-170.000 đồng, veston 250.000-280.000 đồng.

Theo NLĐ

Mặc đẹp không cần hàng hiệu

Mac dep khong can hang hieuTừ khi còn là sinh viên, V. Diệu (nhân viên PR của một công ty quảng cáo) đã được nhiều bạn bè khen là có cách ăn mặc thu hút và đúng mốt.

Thế nhưng khi “khám phá” tủ quần áo của Diệu, bạn bè đã bất ngờ vì Diệu không dùng hàng hiệu, chỉ toàn là trang phục “hàng chợ” và đi may.

Mốt chưa hẳn đẹp

Diệu cho biết bí quyết mặc đẹp của mình: “Mặc đẹp không đồng nghĩa với việc mặc hàng hiệu. Mặc đẹp hay không là do bạn biết cách chọn lựa trang phục phù hợp với mình, kết hợp với việc bạn biết trang điểm, phụ kiện đi kèm phù hợp... Những yếu tố đó sẽ tạo cho bạn sự tự tin. Nhiều nhà thiết kế cho biết thời trang ít tiền, giản dị nhưng vẫn đẹp hiện là xu hướng được rất nhiều bạn gái vận dụng.

Người mẫu Thủy Hương: Giản dị nhưng không đơn điệu

“Gu” ăn mặc thể hiện trình độ hiểu biết, thẩm mỹ của mỗi người. Chủ trương của Hương là trang phục phải lịch sự, đơn giản và tạo được lợi thế về thể hình.

Trang phục công sở cần lịch sự (bao hàm trang nhã, giản dị nhưng không đơn điệu), kín đáo, không cần quá gợi cảm vì dễ bị đàm tiếu. Màu sắc có thể thay đổi cho đỡ nhàm chán. Vài trăm ngàn trong tay là bạn có thể “tậu” được một bộ trang phục vừa ý, có “gu”. Một bộ đồ vừa vặn, thoải mái, xinh xắn chắc chắn sẽ giúp bạn đạt hiệu quả cao trong công việc.

QUỲNH NGUYỄN ghi

Đã có khá nhiều bạn gái trẻ quá tự tin vào suy nghĩ “mình mặc đẹp” nên gặp thất bại. H.K., một nữ sinh viên từ Tiền Giang lên TP.HCM học đại học, luôn chọn quần jean lưng xệ, wash; áo pull ôm sát - lửng làm trang phục yêu thích. Nhưng một lần ra mắt mẹ của người yêu ở quê, K. mất điểm vì bị gia đình người yêu cho là dân “quậy”! Không ít bạn gái chọn cách… tạo khoảng hở, song có nhiều khoảng hở tiếc thay để lộ những vết sẹo, những làn da sần sùi, những cặp chân đen sạm hoặc gồ ghề!

Che khuyết điểm, tôn vẻ đẹp

Làm thế nào để mặc đẹp mà không cần hàng hiệu? Chuyên viên tư vấn tâm lý - giao tế Thu Hiên, Trung tâm Tư vấn Hội Liên hiệp thanh niên VN, nói: “Quần áo nói lên nhiều điều về bạn: bạn có khiếu ăn mặc hay không, bạn quan niệm ăn mặc như thế nào, bạn có tôn trọng mình và người đối diện hay không. Theo chuyên viên Thu Hiên, điều quan trọng là phải làm sao để che được các khuyết điểm, tôn thêm vẻ đẹp của người mặc.

Cụ thể, bạn vẫn có thể mặc đẹp hơn với khoản ngân sách khiêm tốn qua vài gợi ý sau:

- Quan tâm chất lượng, không phải số lượng: bạn không cần một lượng lớn quần áo đắt tiền, chỉ cần 5 - 6 cái có giá trị một chút và dễ kết hợp là được.

- Hiểu rõ mình là ai và vóc dáng của mình: đừng vội vàng chọn một món hàng mà bạn thích, hãy xem chúng có thích hợp với bạn không.

- Tìm kiếm hàng giảm giá: khi một mùa thời trang vừa qua đi, bạn có thể mua được nhiều món hàng mẫu mã tốt, chất lượng không tệ nhưng với giá rẻ từ các cửa hàng tên tuổi.

- Sáng tạo hơn và biết “tái chế”: nếu bạn có chiếc áo hay chiếc váy nào đó chất lượng vẫn tốt nhưng đã qua mốt, đừng quăng nó đi, hãy “tái chế” nó.

BÍCH DẬU

Hàng hiệu mùa đại hạ giá ở Bangkok

Do những biến động về chính trị, chưa năm nào các cửa hàng tại Bangkok lại giảm giá mạnh như trong những tuần gần đây để thu hút du khách nước ngoài.

Tổ hợp Siam Paragon thông báo đại giảm giá
Tổ hợp Siam Paragon thông báo đại giảm giá

Siam Paragon là trung tâm mua sắm tầm cỡ số một thế giới và lớn nhất tại Bangkok. Tổ hợp mua sắm rộng 500.000 mét vuông này với hơn 350 cửa hàng bán đủ mọi loại hàng hiệu, từ quần áo, giày dép cho tới hàng điện tử, điện gia dụng cũng như đồ trang trí nội thất.

Trung tâm này lúc nào cũng tấp nập nhưng chẳng mấy khách du lịch mua sắm vì giá khá cao, có lẽ một phần là do chi phí thuê mặt bằng, cho dù đa số các mặt hàng giày dép và quần áo giảm từ 20% tới 60%.

Ngay sát Siam Paragon là Siam Center. Không khí mua sắm ở đây có vẻ nhộn nhịp hơn vì các cửa hàng thời trang chính hãng, chẳng hạn như Pena house, Jaspal, Mis Sixty, Esprit, Castro giảm giá chưa từng có, từ 40% tới 70%. Chị em có thể mua những chiếc áo phông hai dây với đủ loại màu sắc từ Pena house với giá 190 baht/chiếc (tương đương 90.000 VNĐ). Jaspal cũng hào phóng với đấng mày râu khi giảm giá 50% cho tất cả các loại áo phông và quần âu, với giá đồng loạt 239 baht/áo phông.

Hãng quần áo Pena house giảm giá 70%
Giảm giá 70% tại Siam Center

Anh Asda, một hướng dẫn viên người Thái, cho biết, du khách thường thích tới MBK hoặc chợ cuối tuần Chatuchak để mua áo phông, quần bò vì giá cả thường là rẻ nhất. Tuy nhiên, vào thời điểm đại hạ giá này, hai nơi nói trên chưa chắc đã rẻ hơn so với các cửa hàng ở Siam Center, Zen Center, Robinson hay Chidlom Central. Anh cho biết thêm, mùa giảm giá này kéo dài khoảng tới cuối tháng 9.

’’Nếu đã sờ vào quần áo hàng hiệu giảm giá ở Siam Center, Zen, hay Robinson, người mua chắc sẽ không muốn móc ví trả tiền cho những chiếc áo phông hàng nhái với giá cố định 199 baht với chất vải thô và ráp hơn tại chợ MBK’’, anh Asdal nói. Quả thật, chất liệu quần áo, đặc biệt là áo phông của các hãng thời trang tại Zen và Siam tốt hơn hẳn, mỏng, mịn, rất thích hợp cho những ngày hè nóng nực, mặc cả năm không sờn. Còn đối với áo phông ở MBK, chẳng hạn như áo polo, giặt vài lần là sờn.

Tổ hợp mua sắm MBK luôn đông nghẹt người, từ sáng tới tận 10 giờ đêm
Tổ hợp mua sắm MBK luôn đông nghẹt người, từ sáng tới tận 10 giờ đêm

Tuy vậy, MBK vẫn tấp nập hơn cả so với những trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok, phần vì tại đây hàng hóa phong phú, thượng vàng, hạ cám đều có tất. Mặc dù không giảm giá nhưng hai cửa hàng quần bò SIDA ở tầng trệt MBK lúc nào cũng chật cứng khách nước ngoài, chủ yếu là người phương Tây.

Chị Debrah tới từ New York cho biết: ’’Người phương Tây, đặc biệt là thanh niên, thích quần bò secondhand vì quần bò loại này trông bụi bặm hơn, giá cả lại phải chăng, với đủ mọi loại nhãn hiệu, từ Levis cho tới D&G’’. Có một vài chiếc quần độc chủ hàng hét với giá 200 USD, nhất định không bớt đồng nào. Những chiếc bình thường hơn giá từ 2.000 cho tới 4.000 baht.

Túi xách ở MBK, giá 100 baht
Túi xách ở MBK, giá 100 - 199 baht
Nói chung, mua hàng ở MBK phải mặc cả nhưng chủ hàng giảm giá rất ít, nhiều nhất chừng 100 -200 baht đối với quần áo bán tại các sạp. Còn quần áo, túi xách, giày dép trong các cửa hiệu tại đây thì giảm giá cũng khá lớn, chừng 50 -60% và không phải mặc cả thêm.

Mua hàng ở Tokyu, một trung tâm mua sắm liền kề với MBK cũng không cần phải mặc cả. Ngoài việc giảm giá 30-50%, nhiều cửa hàng bán đồ hiệu ở Tokyu còn áp dụng chính sách mua hai tặng một.

Hang hieu mua dai ha gia o Bangkok
Một cửa hàng giày nữ ở MBK thu hút đông đảo chị em với giá bán 199 baht/đôi

Ngoài quần áo, giày ở MBK khá rẻ, đặc biệt là giày thể thao không rõ xuất xứ. Nếu là hàng mới về, giá lúc nào cũng là 960 baht/đôi giày thể thao cho nam giới. Còn lại đa phần chỉ từ 200-600 baht/đôi, tùy loại. Yuthana, một chủ cửa hàng giày Inter Sport cho biết đa phần hàng nhập từ Trung Quốc!

Quan tâm tới bản hiến pháp mới nhưng người dân Bangkok, đặc biệt là du khách vẫn không bỏ qua dịp đại giảm giá này trong năm. Anh Asda bật mí du khách với túi tiền và thời gian tham quan Bangkok vừa phải (chừng 3 ngày) nên tới Zen Central, Siam Centre và Tokyu. Nếu đi tất cả những trung tâm mua sắm nói trên thì phải mất chừng 4-5 ngày mới đã!

Giảm giá 70% ở Siam Centre
Giảm giá 70% ở Siam Center
Giày giảm giá 60% ở Siam Centre
Giày giảm giá 60% ở Siam Center
Một hiệu giày ở Zen Centre giảm giá 60%
Một hiệu giày ở Zen Center giảm giá 60%
Zen Center
Zen Center
Một góc MBK
Một góc MBK
MBK tấp nập khách mua sắm
MBK tấp nập khách mua sắm
  • Minh Sơn (từ Bangkok)