Hotline:

Hàng hiệu giả

Không ít người tiêu dùng vẫn thường đến các trung tâm thương mại (TTTM) sang trọng để mua hàng, dù biết rằng giá cao hơn bên ngoài không ít. Họ nghĩ rằng, những mặt hàng được bán ở đây là hàng chính hãng, hàng “hiệu”... Thực tế, lại hoàn toàn khác.

Chị Ngọc Mai (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết, chị mua đôi giày Adidas (hàng Việt Nam) trên đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) với giá 280.000 đồng. Thế nhưng, khi vào mua sắm ở D.P (quận 1), chị thấy đôi giày tương tự, thậm chí cùng size nhưng giá bán lên đến 630.000 đồng. Hỏi nhân viên bán hàng thì chị nhận được câu trả lời: “Hàng hiệu chính thống nhập từ nước ngoài nên giá cao là đúng rồi”.

Anh Tuấn (ngụ phường Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp) Không quen xài hàng hiệu nhưng muốn có cái đồng hồ loại tốt nên anh vào S.S (quận 1) mua một đồng hồ Saphia (xuất xứ Nhật Bản) giá 1,1 triệu đồng. Ba ngày sau, khi đi đo mắt ở một trung tâm mắt kiếng và đồng hồ thời trang có tiếng ở quận 3, anh phát hoảng vì chiếc đồng hồ y chang tại đây chỉ bán với giá 520.000 đồng.

Vừa bước vào cổng chính của Thuận Kiều Plaza (quận 5), rẽ về phía bên trái khoảng 10 mét, chúng tôi gặp ngay một gian hàng quần áo “hiệu” đang giảm giá 30-70%. Một chiếc quần jean có mác Guess sau khi giảm giá còn 1,2 triệu đồng, áo thun hiệu Italy giảm còn 900.000 đồng... Tuy nhiên, quan sát kỹ thì chiếc quần kiểu này bán đầy rẫy ngoài chợ Tân Bình, An Đông... với giá từ 190.000 đồng đến 260.000 đồng/cái. Điểm khác nhau giữa chiếc quần jean ở chợ là có mác Trung Quốc trong khi tại đây là mác Guess cắt xéo đính kèm trên lưng quần.

Tại Thương xá Tax, một đôi giày simili giả da có giá bán 370.000 đồng. Khi khách hỏi có giảm giá không thì nhân viên bán hàng trả lời: “Mấy chị mua làm quen đi, tụi em tính 350.000 đồng thôi!”. Trong khi đó ở khu vực bán giày dép ở chợ Tân Bình, mẫu giày tương tự đôi giày ở Thương xá Tax được bán với giá 140.000 đồng và hẹn 3 ngày quay lại lấy để chị thay đế nhựa giả gỗ như đôi giày thấy ở Thương xá Tax. Chị bán hàng khoe: “Mấy bà bán ở các TTTM cũng thường đặt hàng bọn chị làm. Mua bán thì chỉ có người mua nhầm chứ người bán làm sao mà nhầm được”.

Trong vai một người chuẩn bị mở shop giày dép và quần áo thời trang cao cấp ở Khu Công nghiệp Biên Hòa, PV Người Lao Động được anh Thảo, chủ sạp quần áo tại chợ An Đông (quận 5) hướng dẫn tận tình: “Chỉ cần em diễn tả được mẫu, em cần bao nhiêu cũng có, chậm nhất là 10 ngày sẽ giao hàng. Hàng “độc” thì cộng thêm vài chục phần trăm giá gốc hàng chợ”. Anh ví dụ: “Cái áo lụa satanh này giá 190.000 đồng, em muốn biến thành hàng hiệu thì cho anh thêm 90.000 đồng -95.000 đồng gọi là tiền mác, tiền công sáng chế...”.

Để làm bằng chứng, anh Thảo kéo khách vào quầy phía trong, đổ một túi nào nhãn mác, nút áo, khuy quần, dây khóa ngoại ra nền nhà cho xem.

Bà Triệu Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc TTTM Zen Plaza, cho rằng không phải tất cả hàng hóa ở các TTTM đều được kiểm soát về giá cả và chất lượng. Nhiều TTTM cho tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh nên chất lượng hàng hóa rất phức tạp.

Để chọn được hàng hiệu chính thống, bà Giang cho rằng người tiêu dùng nên mua sắm ở những nơi quen thuộc có uy tín lâu năm. Cẩn thận tham khảo giá cả ở nhiều nơi. Nếu đúng là hàng chính hiệu, nhập chính thức thì khi đến bất cứ một cửa hàng trực thuộc hay TTTM nào đi nữa, giá bán lẻ cũng không cách biệt nhau nhiều.

Bà Thu, người có hơn 10 năm kinh doanh giày dép ở chợ An Đông, là mối cung cấp hàng cho các quầy giày dép công sở như H.T, H.D..., cho hay giá giày dép bà bán thường 65.000-80.000 đồng/đôi. Các quầy bán lẻ thường đi chợ để tìm mẫu, ưng ý mẫu nào là đặt làm mẫu đó. Khi đặt hàng, họ thường yêu cầu gia công kỹ, sử dụng nguyên liệu tốt hơn và in nhãn hiệu của họ lên giày dép. Theo bà Thu, sau khi đổi nguyên liệu “xịn” hơn, giá bán chỉ tăng thêm khoảng 3.000-5.000 đồng/đôi. Cơ sở đặt hàng đem về bán với giá 150.000-200.000 đồng/đôi. Người tiêu dùng đến những nơi này mua hàng, yên tâm là mình mua hàng chính hãng có thương hiệu hẳn hoi, đâu biết rằng đó chỉ là hàng chợ được gia công, chỉnh sửa để biến thành hàng hiệu...

Chị Phương (nhà ở Gò Vấp) kể, mới đây chị đến cửa hàng giày dép của hãng giày V. khá nổi tiếng nằm trên đường Lý Chính Thắng (quận 3), chọn một đôi giày bít nữ giá 160.000 đồng. Do nghĩ mua giày tại cửa hàng của một hãng lớn thì phải là hàng của hãng giày này. Thế nhưng 2 ngày sau, khi đi chợ Tân Bình, chị phát hiện đôi giày chị mua là hàng của Trung Quốc được bán đầy ngoài chợ. Chị đến cửa hàng thắc mắc vì sao bán hàng Trung Quốc lại không thông báo cho khách? Nhân viên cửa hàng trả lời qua loa: “Chị không thấy tên thương hiệu trong lòng giày thì không phải là hàng của hãng. Khi mua chị có hỏi đâu mà kêu chúng tôi trả lời”.

Việt Báo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét