Hotline:

Săn hàng hiệu “on sale”

Săn lùng đồ giảm giá (sale off, on sale) là thú vui hấp dẫn nhiều phụ nữ. Những ngày này ra đường ở TP.HCM đâu đâu cũng thấy các cửa hàng treo băng rôn, cờ phướn với khẩu hiệu “hoành tráng” như “giảm giá từ 70 - 80%”, “đặc biệt 100 ngàn đồng 3 món”, “Big sales”… Đáng chú ý hơn là các shop hàng hiệu cũng vào cuộc.

“Săn” hàng hiệu giá rẻ - chỉ bằng một nửa thường ngày thì còn gì thích bằng, nghĩ thế nên tôi quyết định làm một chuyến tuyển hàng, bổ sung “quân” vào tủ quần áo trong dịp lễ Tết cuối năm này.

San hang hieu on sale
Biển giảm giá lớn đã kéo khá nhiều khách hàng vào shop này. Ảnh: Nguyễn Sa

Hàng hiệu Mỹ “made in VN”… giả

Tại TP.HCM nói đến tên đường Lê Văn Sĩ (Q.3) là nhiều người hình dung ra ngay đây là con đường chuyên về buôn bán áo quần thời trang, ước tính sơ có đến hằng trăm cửa hàng thời trang nằm dọc 2 bên tuyến đường dài chưa đầy 2km này. Khoảng 19h cửa hàng nào cũng đông khách, lượng khách mua hàng tỷ lệ thuận với tấm biển sale off: biển và số % giảm càng lớn thì khách càng đông.

Tôi chen chân vào một cửa hàng trên đường Lê Văn Sĩ, Q.3 (không còn thấy được bảng hiệu và tên cửa hàng vì tấm biển “Giảm giá 70%” đã che kín bảng tên). Vẻ háo hức hiện rõ trên gương mặt nhễ nhại mồ hôi vì chen lấn của nhiều khách hàng, một người vừa ướm thử tại chỗ chiếc áo màu đen (đông quá không đủ phòng thử) vừa rủ rỉ với người bạn đi cùng: “Này, áo hiệu Mango chỉ có 70.000 đồng nè”.

Tôi cũng tranh thủ xà vào đống đồ, tìm những mẫu ưng ý cho mình. Quần áo ở đây đều mang những thương hiệu Mỹ nổi tiếng như Mango, Old Navy, Chanel… Theo lý giải của những người bán hàng, đây là nguồn hàng xuất khẩu (VN gia công cho các công ty nước ngoài) còn tồn đọng nên nhà sản xuất bán ra thị trường.

Nếu đúng là hàng xuất khẩu tồn kho thì chất lượng không có gì đáng bàn, nhưng tôi đã từng tìm hiểu nhiều về thị trường thời trang nên nhìn qua một số mẫu quần áo là tôi biết rõ hầu hết các sản phẩm được bán ra là giả hàng xuất khẩu.

Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều cửa hàng thời trang trưng bảng hiệu “Hàng xuất khẩu”, “Thanh lý hàng tồn kho” hoặc để thẳng tên các thương hiệu như Bebe, Guess, Tommy Helfiger, CK, Versace… nhằm thu hút những “tín đồ” khoái xài hàng hiệu giá rẻ.

Thực tế, đây là những sản phẩm do những cơ sở may mặc sản xuất, nhà sản xuất có thể tự thiết kế kiểu dáng hoặc nhái mẫu mã hàng hiệu sau đó mua mác mang các thương hiệu này gắn vào. Về vấn đề mác giả, chỉ cần bạn đến Cư xá Đại Quang Minh (Q.5) hoặc Chợ Tân Bình (Q. Tân Bình) là có thể “tậu” đủ các loại mác giả hiệu ngoại, từ D&G đến Chanel.

San hang hieu on sale

Các cửa hàng "sale off" luôn tấp nập khách ra - vào. (Ảnh: Nguyễn Sa)

Thật - ảo lẫn lộn

Tiếp tục vào cửa hàng 292 Lê Văn Sĩ (cũng là nơi bán hàng giả hàng hiệu xuất khẩu và đang áp dụng giảm giá từ 10-70%). Sau một hồi lục lọi tôi tìm được 3 chiếc áo có kiểu dáng ưng ý, giá mỗi chiếc chỉ từ 60 - 65.000đ. Đang hớn hở vì nghĩ mình đã “săn” được vài món hời tôi chợt nhìn thấy chiếc áo AberCrombie and Fitch giống y chang như một cái tôi đã sở hữu ở nhà, xem qua giá đã sale rồi là 65.000 đồng. Trong khi đó, cách đây khoảng một tháng tôi mua tại shop khác (không có chương trình giảm giá) mà chỉ có 55.000đ.

Tại một cửa hàng có biển giảm giá từ 30 - 80% trên đường CMT8 (Q.10), trông bề ngoài rất thu hút nhưng khi vào trong rồi mới thấy trong ngoài thất vọng vì ở đây chỉ giảm giá một số ít mặt hàng, chủ yếu là sản phẩm đã qua môđen và chất lượng đã xuống cấp như bạc màu, xổ lông, cũ...

Đây cũng là một đặc điểm thường thấy trong chiến dịch “on sale” cuối năm nay tại TP.HCM. Các cửa hàng bằng mọi giá phải kéo được khách vào trong nên trưng biển “sale off” rất to và rực rỡ nhưng bên trong số lượng hàng giảm giá lại rất ít, không xứng tầm với lời mời gọi.

Ngoài ra, phần lớn các điểm bán hàng giảm giá đều không cho khách hàng mặc thử, như vậy nếu người tiêu dùng ham rẻ mua về có trục trặc gì thì ráng chịu vì có một qui tắc bất thành văn mà ai đi mua hàng on sale sẽ rõ: hàng “sale off” cấm đổi, trả.

San hang hieu on sale
Học sinh, sinh viên rất quan tâm đến các chương trình giảm giá. (Ảnh: Nguyễn Sa)

“Đãi cát tìm vàng” cũng lắm công phu

Mặc dù có những nhược điểm trên nhưng với nhiều phụ nữ vẫn khó mà bỏ qua các đợt “on sale”. Trong hàng trăm điểm “on sale” với đủ kiểu kinh doanh “thượng vàng hạ cám” trên mà người mua hàng có thể “tậu” cho mình bộ cánh đẹp, “đúng người đúng của” thì còn gì vui bằng. Trên thực tế, trong mùa sale off này cũng có rất nhiều cửa hàng thực hiện chiến lược giảm giá nghiêm túc, không lừa dối khách hàng. Nhìn chung là những cửa hàng thuộc dạng thương hiệu có uy tín thì ít gặp phải trường hợp giảm giá “ảo”. Quan trọng là khi đi mua hàng giảm giá người mua hàng cần biết phân biệt nguồn hàng và phải chịu khó đi nhiều nơi để xem giá, so sánh giá cả… Quan trọng hơn là phải tỉnh táo để không bị cám dỗ, mua quá nhiều những thứ chưa cần dùng. Như Bình, cô bạn của tôi sau vài buổi “lùng” hàng sale khắp các phố luôn miệng khoe về chiếc áo đầm Forus mà cô mua tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi với giá chỉ bằng 50% giá ngày thường. Bản thân tôi, sau 2 đêm lùng sục nhiều điểm sale cũng đã vác về nhà vài bộ quần áo mới. Thật lạ, đi xài tiền vã cả mồ hôi mà trong người lại cứ thấy vui phơi phới như được ai cho quà.

  • Nguyễn Sa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét